Soạn văn 9 siêu ngắn bài: Viết bài tập làm văn số 7

Soạn văn 9 siêu ngắn bài: Viết bài tập làm văn số 7 sgk ngữ văn lớp 9 tập 2. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được soạn ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đầy đủ ý.

[toc:ul]

Đề 1: Suy nghĩ của em về nhân vật chị Dậu qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ (tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố)

Trả lời

Thời gian vẫn chảy trôi và bốn mùa vẫn xoay chuyển. Con người chỉ đến một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi. Nhưng những gì là nghệ thuật thì vẫn còn tồn tại mãi với thời gian. Ngô Tất Tố đã đến với văn đàn và để lại dấu ấn của mình bằng hàng loạt những tác phẩm vạch trần hiện thực tối tăm, mù mịt của xã hội Việt Nam trước cách mạng. Một trong số ấy, không thể không kể tới tiểu thuyết Tắt đèn với hình ảnh của chị Dậu - một người phụ nữ nông dân vừa giàu tình yêu thương, vừa có sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ. Những phẩm chất đẹp đẽ ấy của chị được tác giả khắc họa thành công qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ.

Ngô Tất Tố là một con người đa tài. Ông được biết tới là một học giả có nhiều công trình khảo cứu có giá trị, một nhà báo nổi tiếng với khuynh hướng dân chủ tiến bộ, giàu tính chiến đấu và đặc biệt, ông được biết tới nhiều hơn cả với tư cách là một cây bút hiện thực xuất sắc chuyên viết về nông thôn trước Cách mạng. Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố khi ông đã dựng nên một bức màn đen tối với không khí sôi sục, khẩn trương của nông thôn mùa sưu thuế. Cũng ở đó, người ta được chứng kiến số phận của những người nông dân ở tầng đáy của xã hội, đó là gia đình chị Dậu. Nhưng hơn cả, tác phẩm của ông làm ngời sáng phẩm chất của người phụ nữ nông dân trong thực xã hội bất nhân đương thời - nhân vật chị Dậu. Đoạn trích Tức nước vỡ bờ  thuộc chương XVIII của tác phẩm. 

Ngay từ nhan đề Tức nước vỡ bờ cũng đã gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Người biên soạn đã mượn một hình ảnh trong thực tế, khi nước dâng cao, lực tác động quá mạnh, bờ bãi không đủ sức chống đỡ thì nước sẽ dềnh lên, làm vỡ bờ, tràn ra tạo thành lũ. Ở đây, ta có thể hiểu đó chính là sự phản kháng một cách mạnh mẽ của chị Dậu trước hành động áp bức, bóc lột tàn nhẫn, không bàn đến nhân tính, tình nghĩa giữa con người với con người của bọn lính lệ và người nhà lí trưởng. Nói cách khác, nhan đễ đã đưa ra một quy luật tất yếu của cuộc sống: có áp bức thì sẽ có đấu tranh. Mà sự đấu tranh ấy bắt nguồn từ nhân phẩm của con người và tình yêu thương gia đình.

Ngô Tất Tố đã sử dụng bút pháp tương phản đối lập để dựng nên bức chân dung đối lập hoàn toàn. Bọn cai lệ hiện lên với vẻ tàn nhẫn, độc ác, hèn hạ bao nhiêu thì chị Dậu lại hiện lên với vẻ đẹp sáng ngời của phẩm chất và nhân cách bấy nhiêu. Trong suốt đoạn trích, người ta bắt gặp hình ảnh của một chị Dậu yêu thương chồng con hết mực. Bà lão hàng xóm tốt bụng mang bát gạo sang để chị nấu cháo cho cả nhà với lời khuyên anh Dậu trốn đi để giữ lại mạng, không thì còn bị hành cho không ra hình dạng con người. Khi ấy, chị Dậu đồng tình với bà những vẫn muốn để anh Dậu "ăn lấy vài húp" vì "nhịn đói từ sáng hôm qua tới giờ". Rồi chị rón rén bưng một bát lớn tới chỗ chồng nằm và nhỏ nhẹ "Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột". Chỉ bằng một chi tiết ấy thôi người đọc cũng có thể hình dung về tấm lòng của người vợ tảo tần, lam lũ. Chứng kiến cảnh chồng bị đánh đâp, hành hạ vì không đủ tiền đóng tiền sưu, người phụ nữ ấy đã phải chạy vạy khắp nơi để lo sưu cho chồng, thậm chí phải bán cả đàn chó mới đẻ, cả đứa con gái lớn nhất của mình mà chị vẫn không hề trách cứ chồng nửa lời. Có thể nói, chị Dậu là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, giàu đức hi sinh, yêu thương gia đình và có thể dùng cả sinh mạng đánh đổi lấy hạnh phúc bình dị của gia đình.

Không những thế, trong đoạn trích, người đọc còn chứng kiến một chị Dậu với sức sống tiềm tàng, mãnh liệt. Anh Dậu vừa mới tỉnh lại, còn chưa kịp húp bát cháo, bọn lính lệ và người nhà lí trưởng đã xông vào nhà. Mặc cho chị Dậu nài nỉ, van xin, nói hết tình hết lí bọn cai lệ vẫn bỏ ngoài tai, đòi sấn sổ tới trói gô anh Dậu lôi ra đình. Ngô Tất Tố đã dồn bút lực để miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật trong thời khắc này. Sự thay đổi trong cách xưng hô của chị Dậu từ "Cháu van ông...ông tha cho" sang "Chồng tôi đau ốm, các ông không được phép hành hạ!" rồi cuối cùng là "Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!" đã được Ngô Tất Tố quan sát thật tinh tế. Từ vị thế của một kẻ đi cầu xin tình thương, chị Dậu đã biến thành vị thế của một kẻ bề trên, với sức mạnh không thể cưỡng lại được. Cách xưng hô "mày - tao" trước khi cuộc ẩu đả bắt đầu cho ta hiểu được rằng, lúc này chị Dậu đã ngang hàng với những tên cai lệ, lí trưởng - những kẻ vốn dĩ là đại diện cho tầng lớp thống trị lúc bây giờ, thậm chí ta còn thấy ở chị một sự khinh bỉ. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã nhận xét "Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo" . Quả thực, đọc đoạn này, ai cũng cảm thấy hả hê, sung sướng khi thấy chị Dậu "túm cổ hắn, ấn dúi ra cửa" khiến hắn "ngã chỏng quèo trên mặt đất", hai người từ giằng co, du đẩy nhau đến "áp vào vật nhau" và kết cục là "hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm". Sự nổi dậy mạnh mẽ với dáng vóc và sức lực của người đàn bà lực điền, chị Dậu đã giành lại được tự tôn và nhân phẩm của mình, bảo vệ gia đình mình khỏi móng vuốt độc ác của bọn thống trị, trong chốc lát. Dù có bị ngồi tù nhưng chị Dậu không thể chịu nổi khi "chúng nó làm tình làm tội" mình mãi. Ngô Tất Tố đã khái quát một quy luật thường thấy của cuộc sống, sức chịu đựng của con người là có giới hạn, một khi đã vượt qua giới hạn ấy thì sự phản kháng lại là điều tất yêu. Đồng thời, ông cũng vẽ ra cho người nông dân trước cách mạng con đường để thoát khỏi sự tăm tối, u mê, khổ đau của những năm tháng thúc sưu thuế, thoát khỏi sự bóc lột tàn tệ của bọn thực dân phong kiến đương thời, chính là đứng lên đấu tranh chống lại chúng, đòi lại quyền sống cho mình. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Tuần đã cho rằng "với tác phẩm Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã xui người nông dân nổi loạn".

Bằng ngòi bút hiện thực sinh động cùng bút pháp tương phản đối lập, đoạn trích Tức nước vỡ bờ (trích tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố) đã vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời; xã hội ấy đã đẩy người nông dân vào tình cảnh vô cùng cực khổ, khiến họ phải liều mạng chống lại. Nổi bật hơn cả là vẻ đẹp tâm hồn của chị Dậ, người phụ nữ nông dân, vừa giàu tình yêu thương vừa có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.

Đề 2: Số phận và tính cách nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao

Trả lời

Tính cách sẽ tạo nên số phận của con người, đó là quy luật của cuộc sống. Có lẽ vì thế mà Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao đã lựa chọn một kết thúc buồn cho chính cuộc đời mình vì nhân cách của ông không chấp nhận sống trong hoàn cảnh mà mỗi ngày sự lương thiện trong con người lại bị mài mòn đi một chút, vì miếng ăn, vì sự cô độc.

Nam Cao sinh ra tại Lý Nhân, Hà Nam, một làng quê nghèo đói, xa tỉnh lị, không gian ấy đã trở đi trở lại nhiều lần trong sáng tác của ông sau này như một sự ám ảnh trong tâm trí Nam Cao. Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc với những truyện ngắn và truyện dài chân thực viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ. Lão Hạc là một trong những truyện ngắn xuất sắc viết về người nông dân của Nam Cao, đăng báo lần đầu năm 1943. Ở đó, ta thấy hiện lên số phận nghiệt ngã và phẩm chất cao quý của Lão Hạc, một người nông dân hiền lành, lương thiện.

 Giống như tất cả những người nông dân trong xã hội thực dân phong kiên đương thời, Lão Hạc cũng mang một số phận đau thương, nghiệt ngã. Hiện lên trong tác phẩm của Nam Cao là một lão nông bất hạnh: vợ mất sớm, nhà nghèo, lão ở vậy nuôi con nhưng lại không có đủ tiền cho con trai cưới vợ khiến con lão phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Lão sống “ngày cũng như đêm, chỉ thui thủi một mình” lại bị bủa vậy bởi tuổi già, yếu, bệnh tật, đói kém mất mùa liên miên. Lão có nuôi một con chó, đặt tên là cậu Vàng, yêu thương nó nhưng cuối cùng lão cũng phải bán đi vì nghèo đói, không nuôi nổi nó. Cùng đường, lão Hạc đã tìm tới cái chết. Một cái chết kinh khủng, mà chỉ đọc lên thôi người ta cũng hình dung ra hình ảnh của một con chó đang giãy giụa trong đau đớn khi ăn phải bả: lão Hạc “vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc....tru tréo, bọt mép sùi ra...chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên” và phải “vật vã đến hai giờ đồng hồ mới chết”. Nam Cao đã khắc họa số phận của lão Hạc bằng một lối trần thuật đầy lôi cuốn, hấp dẫn với vẻ ngoài thờ ơ, lạnh lùng. Nhưng đằng sau ấy, người đọc có thể nhận ra sự đồng cảm, xót thương của ông khi chứng kiến những con người lương thiện bị chính xã hội thối nát đè ép, chà đạp.

Ấn tượng đọng lại trong lòng người đọc không chỉ là số phận khổ đau của lão Hạc, mà hơn thế, người ta sẽ không thể quên phẩm chất cao quý ẩn sâu bên trong người nông dân lương thiện ấy. Lão Hạc trước hết hiện lên là một người giàu lòng nhân ái, vị tha và đầy yêu thương. Lão sống một mình, vợ chết sớm, con đi biền biệt, chỉ có cậu Vàng ở bên cạnh làm bầu bạn nên lão coi nó như đứa cháu trong nhà. Nhà văn đã để ông giáo nhận ra tình cảm đáng quý này qua cách lão Hạc đối xử với cậu Vàng “lão bắt rận hay đem ra ao tắm”, “cho ăn cơm trong ái bát như một nhà giàu”, “lão ăn gì cũng chia cho nó cùng ăn”, trò chuyện với nó như thể một người bạn tri kỷ. Chỉ bằng  một vài lời nhận xét, người đọc cũng có thể hình dung về niềm vui tuổi già của lão Hạc, chỉ đơn giản là chăm sóc cho con chó Vàng - con chó mà người con trai trước khi đi đồn điền để lại cho lão. Hạnh phúc ấy sao mà giản đơn, bình dị quá!

Lão Hạc còn là một người cha vô cùng yêu thương và lo lắng cho con. Lão chỉ có duy nhất một đứa con trai nên suốt cuộc đời, lão lo lắng và chăm lo cho nó. Con trai lão muốn lấy vợ, nhà gái thách cưới quá cao, nhà lại nghèo, hắn định bán mảnh vườn đi để cưới nhưng lão Hạc khuyên con và kiên quyết không cho bán. Con lão quẫn chí đăng kí đi đồn điền khi hay tin cô gái kia đi lấy chồng. Hành động dứt khoát ấy của con trai càng làm cho lão Hạc đau khổ, dằn vặt. Lão cầm ba đồng bạc con biếu trước khi đi, chỉ biết khóc mà không cản được con. Bởi lão cho rằng, vì lão quá nghèo nên không thể lo được lễ cưới cho con, vì lão ngăn cản đám cưới mà con lão mới quyết chí đi đồn điền - nơi mà “Cao su đi dễ khó về/Khi đi trai tráng khi về bùng beo”. Người cha tội nghiệp ấy luôn tự trách mình, mọi sự đều là do lão. Lão mong chờ con trở về từng ngày, nhưng càng chờ lại càng vô vọng. Thư con trai gửi về càng lúc càng ít, vài dòng lão nhận được chỉ là thông báo con đi lâu hơn, và ngót một năm nay đứa con trai không gửi thư về nữa. Tuổi già cô đơn, quạnh quẽ chỉ có một mình nhưng lão lại chẳng hề lo cho bản thân, có gì ăn nấy, còn hoa màu, tiền bạc dành dụm được đều để dành cho con với niềm tin “thế nào đến lúc con lão về, lão cũng có được một trăm đồng bạc...”. Có cha mẹ nào lại không thương con? Lão Hạc đã dùng cả sinh mệnh của mình để quyết giữ cho bằng được mảnh vườn làm vốn liếng cho con trai lão, khi hắn trở về. Mà cũng không biết, con trai lão có trở về được nữa hay không...

Đọc Lão Hạc, người ta còn nhận ra con người ấy là một người giàu lòng tự trọng. Lão giàu lòng tự trọng tới nỗi, tự thấy xấu hổ khi đã nhẫn tâm lừa một con chó. Người đọc hẳn sẽ không thể quên khuôn mặt của lão Hạc khi báo tin cho ông giáo đã bán cậu Vàng “cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậc nước”, “mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...”. Những câu văn đặc tả khuôn mặt của lão Hạc giây phút ấy khiến ta hình dung một nỗi ân hận đang cuộn trào trong lòng của lão. Lão có thể chịu đựng được cái đói, cái nghèo nhưng lại không chịu nhờ vả, làm phiền đến hàng xóm láng giềng. Vì thế mà lão đã mang số tiền còn lại sang gửi ông giáo, nhờ ông lo ma chay nếu chẳng may lão chết. Đến tận giây phút cuối cùng, khi xin bả chó của Binh Tư, lão Hạc vẫn nghĩ rằng, đó chính là kết cục của một kẻ đã nỡ lừa cả một con chó. Cái chết dữ dội của lão Hạc khiến cho cả ông giáo và người đọc cảm thấy ngạc nhiên tới ngỡ ngàng. Thì ra, nhân cách và lòng tự trọng của con người có thể giết chết chính họ, khi phải sống trong hoàn cảnh nhân cách và lòng tự trọng bị bào mòn đi từng chút, từng chút một.

Bằng một tài năng kể chuyện xuất sắc và bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật tinh vi bậc thầy, Nam Cao đã khắc họa một cách chân thực, cảm động số phận đau thương của lão Hạc, hình ảnh đại diện cho người nông dân trong xã hội cũ và phẩm chất cao quý tiềm tàng của họ. Đồng thời, truyện cũng cho ta thấy tấm lòng yêu thương, trân trọng đối với người nông dân của nhà văn.

Đề 3: Lấy nhan đề “Tình đời trong chiếc lá”, em hãy viết bài nêu suy nghĩ của mình về đoạn trích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri.

Trả lời

TÌNH ĐỜI TRONG CHIẾC LÁ

Nếu là con chim, chiếc lá,

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?

Những câu thơ vang lên như lời khẳng định về mối quan hệ giữa con người với con người, về sự chia sẻ và hi sinh. Phần cuối truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri  cũng khiến ta rung cảm trước tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ với nhau giống như thế.

            Tác phẩm là câu chuyện kể về sự thay đổi của Giôn-xi, một nữ họa sĩ trẻ tuổi. Là một người có tài, khao khát được sống hết mình với nghệ thuật. Thế nhưng căn bệnh sưng phổi và sự nghèo túng đã khiến cô tuyệt vọng và không muốn sống nữa. Giôn-xi đã sống một chuỗi những ngày đen tối, không niềm tin, không hi vọng thậm chí là tàn nhẫn với những người yêu quý cô khi đếm từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuân bám vào bức tường gạch đối diện với cửa sổ, chờ đến khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cô cũng buông xuôi, lìa đời.

            Câu chuyện có lẽ đã dừng lại với cái chết được dự báo trước của Giôn-xi khi trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng suốt cả đêm qua, khiến cho những cây thường xuân cũng rã rời, lá của chúng sẽ rụng hết xuống. Nhưng không, vẫn còn một chiếc lá cuối cùng trên cây, được tác giả miêu tả “ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa”. Chiếc lá ấy vẫn kiên cường bám chặt vào cành cây cách mặt đất khoảng chừng hai mươi bộ, hôm sau, hôm sau nữa chiếc lá ấy vẫn như thế. Từ một con người tuyệt vọng chỉ chực chờ chết, hình ảnh của chiếc lá thường xuân kiên cường đã làm thay đổi suy nghĩ của Giôn-xi, cô khao khát được sống và mong mỏi “một ngày nào đó em hi vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ”. Điều ấy cũng có nghĩa, chiếc lá cuối cùng đã khiến cho tâm hồn một con người hồi sinh, khiến cho cô gái sống lại với khao khát và đam mê nghệ thuật của mình. Cuối cùng thì Giôn-xi cũng qua cơn nguy hiểm và dần dần khỏe trở lại.

            O Hen-ri đã sử dụng rất nhiều tình tiết hấp dẫn, sự sắp xếp chặt chẽ khéo léo và kết cấu đảo ngược tình huống hai lần khiến cho người đọc đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Hóa ra, chiếc lá cuối cùng kiên cường bám trụ lại trên cành ấy lại là “kiệt tác của cụ Bơ-men”. Hóa ra, người ốm yếu, tuyệt vọng bên bờ vực của cái chết lại đang dần khỏe lại, còn người khỏe mạnh như cụ Bơ-men lại chết vì sưng phổi, dù mới chỉ ốm có hai ngày. Điều đáng nói ở đây chính là tinh thần hi sinh cao cả của cụ Bơ-men, một người họa sĩ già với khao khát cả cuộc đời là “vẽ được một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được”, cụ đã đánh đổi cả mạng sống của mình níu giữ tâm hồn và sự sống cho cô họa sĩ trẻ Giôn-xi. Xiu đã kể lại với Giôn-xi về cụ Bơ-men một cách đầy xúc động “...cụ ốm nặng trong căn phòng của cụ ở tầng dưới. Giày và áo quần của cụ ướt sũng và lạnh buốt...người ta tìm thấy một chiếc đèn bão vẫn còn thắm sáng và một chiếc thang đã bị lôi ra khỏi chỗ để của nó và vài chiếc bút lông rơi vung vãi, và một bảng pha màu có màu xanh và màu vàng trộn lẫn với nhau...”. Bức tranh của cụ đã làm thức dậy khao khát sống cũng đã khơi dậy trong lòng người đọc sự thương cảm, trân trọng với nghĩa cử cao đẹp của cụ Bơ-men. Đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời, cụ vẫn sống với đam mê hội họa của mình. Và phải chăng, chính vì câu chuyện đầy tình người đằng sau bức họa chiếc lá cuối cùng ấy đã biến nó thành một kiệt tác đúng như di nguyện của cụ Bơ-men lúc còn sống. Nghệ thuật suy cho cùng cũng là cách khiến cho con người cảm thấy thỏa mãn, khiến con người thay đổi và sống tốt hơn. Và, cụ Bơ-men đã mang tình người để làm nên giá trị vĩnh hằng cho tác phẩm cuối cùng - kiệt tác trong cuộc đời họa sĩ của mình.

            Có thể nói, đoạn trích Chiếc lá cuối cùng trích trong truyện ngắn cùng tên của O Hen-ri đã khiến người đọc rung động trước tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ, giữa Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men. Câu chuyện ấy cũng nhắc nhở chúng ta về tấm lòng lương thiện, sự chia sẻ giữa người với người trong xã hội ngày nay.

Đề 4: Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng của Ta-go

Trả lời

Tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. Chế Lan Viên đã từng dùng hình ảnh cánh cò trắng bên nôi để khái quát nên quy luật muôn đời của lòng mẹ:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”

Không giống với cánh cò trong lời ru của mẹ, những hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng trong bài Mây và sóng của Ta-go lại ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng một cách rất khác, từ lời kể của đứa bé. Người đọc ấn tượng sâu sắc bởi vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc mà Ta-go gửi gắm trong bài thơ ấy.

            Ta-go là một người nghệ sĩ đa tài. Ông đã để lại một gia tài văn hóa nghệ thuật đồ, có giá trị đến tận bây giờ cho nền nghệ thuật thế giới. Ta-go là nhà thơ hiện đại lớn nhất của Ấn Độ và là nhà thơ đầu tiên của Châu Á đoạt giải Nô-ben văn học với tập Thơ Dâng. Hầu hết các tác phẩm đều được chính ông dịch sang tiếng Anh. Thơ của ông thể hiện tinh thần dân tộc và dân chủ sâu sắc, tinh thần nhân văn cao cả và tính chất trữ tình, triết lí nồng đượm. Thơ ông sử dụng rất thành công những hình ảnh thiên nhiên mang ý nghĩa tượng trưng, những hình thức liên tưởng so sánh và thủ pháp trùng điệp. Điều ấy được thể hiện rõ nét qua bài thơ Mây và sóng của ông.

            Bài thơ mở đầu với một tiếng gọi “Mẹ ơi” của em bé và sau đó là lời kể lại cuộc đối thoại giữa em và những người sống trên mây và sóng. Em bé được mây và sóng rủ rê, mời gọi bằng những đề nghị vô cùng hấp dẫn “Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc” và “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nào”. Tác giả đã thật tinh tế khi mở ra một thế giới mới lạ, hoàn toàn khác so với thế giới thực tại trong mắt của đứa trẻ. Mây và sóng, những cuộc dạo chơi đến “tận cùng trái đất”, đến “rìa biển cả” - những nơi xa xôi và cũng chính vì thế mới gợi lên sự tò mò của em bé. Ta-go còn thấu hiểu tâm lí của một đứa trẻ, khi để cho em bé lưỡng lữ, phân vân trước lời đề nghị đầy hấp dẫn của mây và sóng. Nếu thiếu đi chi tiết này, cuộc đối thoại của em bé sẽ không thực, vì trẻ em ai lại không ham chơi, không muốn khám phá thế giới mới lạ? Thế nhưng điều đã níu chân em, để em quyết tâm từ chối lời mời hấp dẫn ấy là tình mẫu tử. Vì “Mẹ mình đang đợi ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đến được?” và “Buổi chiều mẹ mình luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Với em, mẹ còn quan trọng hơn cả những cuộc dạo chơi, khám phá kia. Bởi em đã tự sáng tạo ra được trò chơi của chính mình, có em và có mẹ. Em sẽ là mây, mẹ là trăng, mái nhà là bầu trời xanh thẳm. Em là sóng còn mẹ sẽ là bến bờ kì lạ, “con lăn lăn lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”. Tác giả đã dựng nên một bức tranh thật đẹp với những hình ảnh đầy thơ mộng, là sóng là mây, là trăng, là gió, là bến bờ kì lạ. Những sự vật ấy khiến cho không gian như được mở ra mênh mông, cũng giống như trí tưởng tượng bao la của những đứa trẻ.

            Không chỉ dựng nên một bức tranh mộng mơ, bài thơ còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ta-go đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ giàu tính biểu tượng để gợi về tình mẫu tử. Mây, sóng, trăng, bến bờ kì lạ là những sự vật thiên nhiên mang tính vĩnh hằng. Điều ấy cũng có nghĩa, ông đã nâng giá trị của tình mẫu tử lên ngang với tầm vóc của vũ trụ, biến nó trở thành tình cảm thiêng liêng, bất diệt. Hơn thế nữa, trong trò chơi của đứa trẻ, con sẽ là mây, mẹ sẽ là trăng, mái nhà sẽ là bầu trời xanh thẳm; con là sóng, mẹ sẽ là bến bờ kì lạ với hành động “hai bàn tay con ôm lấy mẹ”, “con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ” đã gợi cho ta niềm hân hoan, vui sướng của đứa trẻ khi được ở cùng mẹ. Hạnh phúc giản đơn của chúng chỉ là được mẹ nâng niu, ôm ấp trong sự bao dung như cái bến bờ kì lạ mà con sóng lăn vào. Câu thơ cuối đã mang tới cho người đọc nhiều suy ngẫm “Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào”. Câu thơ vang lên như một lời khẳng định mẹ con ta ở khắp mọi nơi, không ai có thể chia lìa, cũng có nghĩa tình mẫu tử thiêng liêng luôn tồn tại ở khắp mọi nơi trên thế gian này.

            Với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé, qua những hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng, bài thơ Mây và sóng của Ta-go đã ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Đề 5: Bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh

Trả lời

Hồ Chí Minh được biết tới không chỉ với tư cách của một vị lãnh tụ vĩ đại, một người chiến sĩ cách mạng can trường, mà Người còn được biết đến với tư cách của một người nghệ sĩ tài hoa. Bác đem thơ làm vũ khí phục vụ kháng chiến nhưng đồng thời sáng tác thơ cũng là cách để Người tìm thấy niềm vui trong cuộc đời cách mạng khó khăn, gian khổ. Thơ Bác mang vẻ đẹp bình dị mà đậm tình thương yêu cuộc sống, con người. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó được viết vào tháng 2/1941, trong thời gian Bác đang sống và làm việc gian khổ tại hang Pác Bó. Bài thơ là tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ.

             Bài thơ được mở ra với khung cảnh thiên nhiên Pác Bó và những hoạt động được lặp đi lặp lại hàng ngày của Bác:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang 

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”

Ngày nào cũng vậy, Bác “sáng ra bờ suối”, tối trở về hang. Biện pháp tiểu đối kết hợp với nhịp thơ 4/3 đã tạo ra cho câu thơ một nhịp điệu như sự lặp lại của các hoạt động trong cuộc sống của Bác. Bác làm việc bên bờ suối, tối trở về hang Pác Bó - không gian nhỏ, hẹp, ngột ngạt, để nghỉ ngơi. Bữa ăn của Bác cũng chẳng phải cao lương, mĩ vị, mà chỉ là những thức “cháo bẹ”, “rau măng”. Một lần nữa, biện pháp tiểu đối được Bác sử dụng trong câu thơ tạo ra sự đăng đối, nhịp nhàng. Cuộc đời của con người cách mạng sao thật khó khăn. Không chỉ phải buộc mình sống ở một nơi khắc nghiệt mà đến bữa ăn hàng ngày của Bác cũng ít ỏi đến đáng thương. Thế nhưng người đọc vẫn cảm thấy được phong thái ung dung, nhẹ nhàng của con người ấy. Chỉ bằng một từ “vẫn” và tính từ “sẵn sàng” cũng đủ để người đọc hiểu rằng, Bác biết trước hoàn cảnh sống khi làm cách mạng là khó khăn, thiếu thốn, song Người vẫn chấp nhận nó như một điều tất yếu. Bởi với Người, khó khăn, gian khổ về vật chất chỉ là cách giúp cho người chiến sĩ tôi luyện tinh thần, ý chí chiến đấu của mình mà thôi.

            Hình tượng của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh hiện lên với vẻ đẹp lồng lộng qua hai câu thơ cuối:

“Bàn đã chông chênh dịch sử Đảng, 

Cuộc đời cách mạng thật là sang”

Hình ảnh chiếc “bàn đã chông chênh” là hình tượng trung tâm của bài thơ. Cuộc sống giữa núi rừng thật gian khổ, vất vả, thiếu thốn. Nơi làm việc cũng không lấy gì thoải mái vì bàn đá chông chênh, nhưng dáng điệu của Bác vẫn lồng lộng đường hoàng. Bác say mê với công việc, tập trung cao độ vào công việc mà chẳng hề quan tâm đến vật chất quanh mình. Từ láy chông chênh chỉ sự tạm bợ, nghèo về vật chất. Sống giữa thiên nhiên, làm việc giữa đất trời khoáng đạt, Bác cảm thấy vui và hăng say với công việc của mình. Trên cái bàn đá "thiên tạo" ấy, Bác vẫn miệt mài dịch sử Đảng, tìm ra đường lối để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong những ngày tháng ở núi rừng Việt Bắc, ở hang Pác Bó, cuộc sống thật kham khổ về vật chất nhưng qua giọng điệu, từ ngữ, hình ảnh thơ và cách nói của Người, ta thấy toát ra niềm vui lớn lao của Bác. Câu kết bài thơ là lời khẳng định của Bác về cuộc đời làm cách mạng. Bác tự hào về cuộc đời cách mạng, nó sang trọng, cao quí. Chữ sang ở cuối bài thơ đã tỏa sáng tinh thần của toàn bài thơ. Sang ở đây không phải là vật chất sang trọng, giàu sang phú quý mà đây để chỉ sự thoải mái trong tinh thần, cuộc sống đầy ý nghĩa của người cách mạng. Với Bác, cứu dân, cứu nước là niềm vui, là lẽ sống, là lí tưởng của mình. Hơn nữa, dường như ở Bác luôn sẵn có, cái thú lâm truyền: Bác thích sống ở núi rừng, được sống hòa hợp cùng thiên nhiên, cây cỏ. Tuy nhiên, cái vui thú của Bác không phải là được làm một ẩn sĩ mà là một chiến sĩ, suốt đời chiến đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Rõ ràng ở Bác có những nét đẹp của phong cách cổ điển đan xen với nét đẹp của phong cách hiện đại. Vẻ đẹp này đã thể hiện trong phong cách thơ của Bác. 

            Không hừng hực khí thế như những vần thơ hào hùng của Tố Hữu

“Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu

 Dấn thân vô là phải chịu tù đày

 Là gươm kề cận cổ, súng kề tai

 Là thân sống chỉ coi còn một nửa”

nhưng đọc Tức cảnh Pác Bó của Bác, ta vẫn thấy hiện lên tinh thần thép, một ý chí sắt đá của một người chiến sĩ cách mạng. Và điều ấy lại được hiện lên qua những hình ảnh rất đỗi bình dị pha giọng vui đùa. Với con người ấy, khó khăn gian khổ có là gì?

Đề 6: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Trả lời

Cùng với Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy là một gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ ông thường sử dụng những hình ảnh rất tự nhiên, giọng điệu tâm tình mà đưa ra những vấn đề mang tầm triết luận sâu xa. Bài thơ Ánh trăng là tác phẩm tiêu trong sự nghiệp sáng tác của ông. Bài thơ như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu; đồng thời cũng gợi nhắc người đọc về thái độ uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa, thủy chung cùng quá khứ, đặc biệt qua khổ thơ kết thúc bài thơ:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình”

            Nguyễn Duy đã xây dựng hai hình ảnh hoàn toàn đối lập nhau trong đoạn thơ:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình”

Hai hình ảnh tồn tại song song xuyên suốt bài thơ là hình ảnh người lính đã bước ra khỏi cuộc chiến về với thời bình, đã từng gắn bó với thiên nhiên và hình ảnh của ánh trăng. Ánh trăng hiện lên ở cuối bài thơ là một ánh trăng “tròn vành vạnh”. Cụm từ “tròn vành vạnh” giúp ta hình dung một vầng trăng to, tròn, sáng quắc đêm mười lăm, mười sáu. Ánh trăng sáng bao phủ khiến không gian như được giát một lớp vàng huyền ảo. Đồng thời, trạng thái “tròn vành vạnh” của vầng trăng cũng là sự hiện diện tròn đầy, ân nghĩa của quá khứ. Trăng từ xưa đến nay vẫn thế, vẫn hiền hậu, vẫn sáng, vẫn thủy chung, ân nghĩa, sống hết mình mặc cho “người vô tình”. Con người bước ra khỏi cuộc chiến, trở về với cuộc sống hiện tại liền quên luôn người bạn đã từng gắn bó thời khó khăn, gian khổ ngày xưa.

            Con người vẫn sống như thế, cho đến khi vô tình nhìn thấy vầng trăng tròn vành vạnh ngày nào, để rồi:

“ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình

Nguyễn Duy đã dựng nên một không gian tĩnh lặng đến rợn người khi để cho “ánh trăng im phăng phắc”. “Im phăng phắc” tức là sự yên lặng tuyệt đối, không có bất cứ một tiếng động nào phát ra. Sự im lặng ấy khiến cho không gian bỗng chốc trở nên rộng ra miên man, đủ chỗ để cho con người suy ngẫm lại và “giật mình”. Có thể nói, Nguyễn Duy đã dựng nên một toàn án lương tâm trong chính sự im lặng ấy. Bởi chỉ khi im lặng suy ngẫm, ta mới có thể nhìn sâu vào trong tâm hồn mà nhận ra mình đã đúng hay sai. Và điều tất yếu của sự tự nhìn nhận lại ấy chính là cái giật mình của sự thức tỉnh. Con người, mà cụ thể hơn là người lính đã từng gắn bó với thiên nhiên, đã nhận ra sự vô tâm, thờ ơ, lạnh lùng của mình với ánh trăng, người bạn tri âm tri kỉ của họ trong suốt quãng thời chiến đấu gian khổ, vất vả. Bài thơ được viết theo mạch cảm xúc, suy nghĩ của tác giả, nên từ đầu đến cuối bài thơ chỉ có duy nhất một dấu chấm. Dấu chấm trong khổ cuối bài cũng là tín hiệu cho sự thức tỉnh sâu sắc trong lương tri của con người. Sự thức tỉnh ấy cũng dự báo trước về việc con người sẽ thay đổi, sống tốt hơn, ân nghĩa và thủy chung với quá khứ.

            Khổ thơ cuối bài thơ Ánh trăng chính là kết tinh cho tư tưởng của tác giả Nguyễn Duy. Đó là sự thức tỉnh sâu sắc về lối sống bạc bẽo, vô tâm của con người với quá khứ, cũng đồng thời là lời nhắc nhở của tác giả với mỗi chúng ta về thái độ sống uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa, thủy chung cùng quá khứ.

Đề 7: Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Trả lời

Tình cảm gia đình luôn là những tình cảm thiên liêng, đáng trân trọng. Không nhắc tới tình mẫu tử, cũng không phải là tình phụ tử, Bằng Việt đã khắc họa thật cảm động tình bà cháu qua hình ảnh bêp lửa trong bài thơ Bếp lửa.

Bằng Việt sáng tác thơ  từ đầu những năm 1960 của thế kỉ trước và trở thành một trong những gương mặt nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ Bếp lửa được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài. Bài thơ đã khắc họa chân thực hình ảnh người bà trong tâm trí đứa cháu và đặc biệt là sự sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa khơi gợi mọi kỉ niệm, cảm xúc và suy nghĩ về bà và tình bà cháu. 

Kỉ niệm được gợi về thực đơn giản, chỉ bằng ánh lửa bập bùng hiện lên trong tâm trí đứa cháu đang xa nhà:

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm 

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”

Hình ảnh bếp lửa xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm trong màn sương sớm. Đó là hình ảnh của một “bếp lửa chờn vờn”, “ấp iu nồng đượm”. Từ láy “chờn vờn”, “ấp iu” đã gợi lên hình ảnh của một bếp lửa đang cháy, nhưng chỉ mờ ảo, không rõ là thực hay hư bởi nó đã được lớp sương mờ che phủ. Cũng như vậy trong tâm trí đứa cháu, bếp lửa chỉ hiện rõ ràng khi có sự xuất hiện của người bà với sự tảo tần, lam lũ. Bếp lửa xuất hiện cũng thổi bùng lên nỗi nhớ và khiến cho những kỉ niệm ùa về như thác lũ:

“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khỏi hun mèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!”

Từ thời ấu thơ, cháu đã ở cùng bà, đã quen với mùi khói bếp mỗi khi bà nhóm lửa. Trong kí ức của đứa trẻ ấy, quãng thời gian được sống cùng bà năm 4 tuổi là quãng thời gian khó khăn và thiếu thốn đến tột cùng. Cụm từ đói mòn đói mỏi giúp ta hình dung về thảm cảnh của nan đói năm 1945, quốc nạn đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu đồng bào ta. Ám ảnh trong tâm trí của đứa cháu là “bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy”. Cái đói hiện hình trong từng con người, sự vật xung quanh cháu và trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Thần chết luôn đeo đuổi và không trừ bất cứ ai. Dù không nhắc tới nhưng người đọc cũng có thể cảm nhận sự biết ơn và tình thương vô hạn của đứa cháu dành cho bà “nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!”. Bởi lẽ, để vượt qua được quãng thời gian kinh khủng ấy, người bà chắc chắn đã phải giật gấu vá vai, thắt lưng buộc bụng, tảo tần để nuôi đứa cháu để rồi mỗi khi nhớ lại về năm ấy, hiện lên trong suy nghĩ của cháu là khói bếp hun đến mèm cả mắt.

Bếp lửa lại một lần nữa xuất hiện trong kí ức của đứa cháu trong tám năm ròng ở cạnh bà, cùng bà nhóm lửa:

“Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

...

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”

Tiếp nối những ngày dài trong kí ức tuổi thơ của đứa cháu vẫn là hình ảnh của bếp lửa gắn với người bà. Và ở đoạn kí ức này, ta còn thấy xuất hiện thêm cả âm thanh của quá khứ, đó chính là tiếng chim “tu hú kêu trên những cánh đồng xa”. Cháu phải sống xa bố mẹ vì “mẹ cùng cha công tác bận không về” và cũng vì thế, bà trở thành cha cũng là mẹ của cháu. Người bà không chỉ chăm lo cho cháu từng miếng ăn, giấc ngủ mà còn dạy cho cháu cách làm việc, nhắc nhở cháu học hành. Quan trọng hơn nữa, bà còn là người đã nuôi dưỡng và hình thành trong đứa cháu một nhân cách sáng ngời, một sự kiên cường, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ:

“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

...

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

Vất vả là thế, khó khăn là thế nhưng chưa bao giờ bà than vãn nửa lời. Ngay cả khi căn nhà của bà - tài sản có giá trị nhất trong cuộc đời của người nông dân, bị đốt cháy rụi cùng làng, bà vẫn không hề nao núng mà dặn đi dặn lại, không cho đứa cháu kể lể trong thư với bố mẹ. Trong suy nghĩ của bà, những đứa con của mình còn phải lo những việc lớn hơn, sao có thể để chúng lo lắng vì chuyện nhỏ nhặt này được? Đằng sau lời nói chắc nịch ấy là nỗi lo lắng cho con, cho cháu của bà. Bởi lẽ, nếu sự thật được nói ra, bố mẹ đứa trẻ sẽ lo lắng và không thể yên tâm công tác được nữa. Mọi hành động của bà đều chỉ xuất phát từ tình yêu thương bao la của bà với con, với cháu mà thôi.

Càng về cuối bài thơ, giọng thơ càng trở nên da diết, mãnh liệt:

“Rồi sớm rồi chiều bếp lửa bà nhem

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...”

Bà tần tảo, bà vất vả thức khuya dậy sớm, để nhóm lửa, làm ngọn lửa, bếp lửa sáng lên, sưởi ấm hạnh phúc gia đình, thấm sâu vào tình thương vào tâm hồn con cháu. Nhờ thế mà sức sống, nguồn sống, nguồn vui hạnh phúc gia đình dai dẳng, bền bỉ, bất diệt. Tác giả đã sử dụng một loạt những động từ “nhen”, “ủ”, “chứa” và hình ảnh bếp lửa, ngọn lửa được tác giả dùng thật đắt, nói lên thật đẹp niềm tin nếp sống đó. "Đời bà lận đận" trải nhiều "mưa nắng" suốt mấy chục năm rồi, cho "đến tận bây giờ" bà vẫn "giữ thói quen dậy sớm" để nhóm bếp lửa, vì sự ấm no hạnh phúc của con cháu. "Niềm yêu thương", "khoai sắn ngọt bùi", "nồi xôi gạo mới sẻ chung vui", "những tâm tình tuổi nhỏ"…đều do bà nhóm. Điệp ngữ "nhóm" bốn lần cất lên làm sáng bừng vần thơ, làm sáng tâm hồn con cháu. Có thể nói đây là những câu thơ đẹp nhất nói về bà và hình ảnh bếp lửa:

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới thổi chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!”

Người đọc cảm thấy mái ấm hạnh phúc gia đình mỗi sáng mỗi chiều. Câu cảm thán cuối đoạn thơ như một tiếng reo cất lên của đứa cháu nhỏ, tiếng reo của ngọn lửa bập bùng trong bếp lửa được bà "nhen" lên và "ủ sẵn" cả cuộc đời. Hình ảnh bếp lửa, ngọn lửa luôn luôn gắn bó với người bà thân yêu. Dù đang sống và học tập ở phương xa, đứa cháu vẫn luôn nhớ khôn nguôi về người bà đôn hậu và bếp lửa ở quê nhà. Câu hỏi tu từ khép lại bài thơ làm cho nỗi nhỡ bà, nhớ bếp lửa, nhớ gia đình, nhớ quê hương càng trở nên sâu lắng, thiết tha, bồi hồi:

 “Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở.

- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Thơ ca dân tộc chưa có nhiều bài thơ viết về người bà kính yêu trong gia đình. Nguyễn Duy nói về bà ngoại qua bài thơ "Đò Lèn" với kí ức tuổi thơ thật cảm động. "Bếp lửa" của Bằng Việt là một bài thơ cứ cuốn hút lấy tâm hồn tuổi thơ chúng ta. Hình ảnh người bà thân thương và hình ảnh bếp lửa được tác giả nói đến vừa gần gũi thân quen, vừa thiêng liêng kì lạ. Tình cảm là nguồn sống của tâm hồn, là sức sống của thi ca. "Bếp lửa" quả có bao nguồn sáng và sức sống dào dạt như vậy.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn lớp 9 siêu ngắn


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com