Bài soạn lớp 11: Xin lập khoa luật

Hướng dẫn soạn bài: Xin lập khoa luật - Trang 71 sgk ngữ văn 11 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trả lời rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn sau, các em học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học. Ngoài ra, nếu có câu hỏi nào, các em comment phía dưới để thầy cô giải đáp.

[toc:ul]

Tìm hiểu chung tác phẩm

Tác giả:

  • Nguyễn Trường Tộ ( 1830 - 1871) quê Làng Bùi Chu – Hưng Trung – Hưng Nguyên – Nghệ An
  • Xuất thân:
    • Gia đình Công giáo 
    • Là một trí thức uyên thâm có tầm nhìn xa trông rộng, thông thạo cả Hán học & Tây học 
    • Giàu lòng yêu nước: Luôn có tư tưởng canh tân Đất nước
  • Sáng tác: Để lại gần 60 bản điều trần

Tác phẩm:

  • Xuất xứ: Nằm trong bản điều trần số 27 có tên là “Tế cấp bát điền” (8 điều cần làm gấp) do Nguyễn Trường Tộ viết vào năm 1867.
  • Đại ý: Bàn về sự cần thiết của luật pháp đối với đất nước. Từ đó thuyết phục Nhà nước mở khoa Luật.
  • Bố cục:
    • Phần 1: Đặt vấn đề - Tầm quan trọng của Luật
    • Phần 2: giải quyết vấn đề
      • Phê phán sách vở của đạo Nho
      • Khẳng định sách vở nho gia không thay thế được Luật
    • Phần 3: Kết thúc vấn đề - Khẳng định sự cần thiết phải có luật.

Câu 1: Theo Nguyễn Trường Tộ, luật bao gồm những lĩnh vực nào?...

Theo Nguyễn Trường Tộ, luật bao gồm những lĩnh vực nào? Ông đã giới thiệu việc thực hành luật pháp ở các nước phương Tây ra sao?

Trả lời:

Luật bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau: Kỉ cương, uy quyền, chính lệnh, tam cương ngũ thường...

Việc thực hành luật pháp ở các nước phương Tây rất công bằng, nghiêm minh: "phàm những ai đã nhập ngạch bộ Hình xử đán các vụ kiện tụng thì chỉ có thăng trật chứ không bao giờ bị phiếm truất. Dù vua, triều đình cũng không giáng chức họ được một bậc…"

Không có ai (kể cả vua chúa) được đứng ngoài, đứng trên luật pháp. Nhà nước xã hội vận hành và phát triển bằng luật pháp. mọi sự thưởng phạt đều dựa trên luật pháp. Đó là những nhà nước pháp quyền.

Từ việc này có thể thấy tác giả rất đề cao luật, đề cao những người hiểu biết về luật và có khả năng dùng luật để điều khiển công việc quốc gia.

Câu 2: Tác giả chủ trương vua, quan và dân phải có thái độ như thế nào...

Tác giả chủ trương vua, quan và dân phải có thái độ như thế nào trước pháp luật? Vì sao ông lại chủ trương như vậy?

Trả lời:

Theo Nguyễn Trường Tộ, kỉ cương, uy quyền, chính lệnh để duy trì sự tồn tại của đất nước. Vì vậy, tác giả khẳng định: "Bất luận quan hay dân mọi người đểu phải học luật nước", "quan dùng luật để trị dân, dân theo luật mà giữ gìn".  Luật có tác dụng cai trị xã hội, duy trì sự tồn tại của đất nước.Quan dùng luật để cai trị nhân dân, dân theo luật mà giữ gìn. Bất cứ hình phạt nào cũng không vượt khỏi luật. Luật phải đề cao tính dân chủ, gắng với đời sống con người.

Ông chủ trương như vậy vì luật đã bao trùm lên tất cả. Nếu đất nước không có các bộ luật thì làm sao giữ được kỉ cương phép nước. Từ quan cho đến thứ dân đều phải hiểu và làm theo luật. Xưa đã đúng, nay càng thấy đúng và thấm thía hơn.

Câu 3: Theo Nguyễn Trường Tộ, nho học truyền thống có tôn trọng pháp luật không?

Trả lời:

Theo tác giả, Nho học không có truyền thống tồn trọng luật pháp. Bởi: "Biết rằng đạo làm người không gì bằng trung hiếu, không gì cần thiết bằng lễ nghĩa. Nhưng các sách Nho chỉ nói suông trên giấy, không làm cũng chẳng bị ai phạt, có làm cũng chẳng được ai thưởng. Bởi vậy xưa nay học đã nhiều mà mấy ai đổi được tâm tính, sửa được lỗi lầm?". Hơn thế, "từ xưa đến nay các vua chúa nắm quyền thống trị cứu nước giúp đời đều nhờ hiểu luật, còn các sách vở khác cũng chỉ là phụ thuộc. Nếu trong nước không có luật thì dù có vạn quyển sách cũng không thể trị dân được".

Câu 4: Tác giả quan niệm như thế nào về mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật?

Trả lời:

Theo ông, luật pháp và đạo đức gắn bó chặt chẽ với nhau. Luật còn là đạo đức, đạo làm người “trái luật là có tội, giữ đúng luật là đạo đức” và có “có đạo đức nào lớn hơn chí công vô tư”.

Câu 5: Việc nhắc đế Khổng Tử và các khái niệm đạo đức, văn chương có tác dụng gì...

Việc nhắc đế Khổng Tử và các khái niệm đạo đức, văn chương có tác dụng gì đối với nghệ thuật biện luận trong đoạn trích?

Trả lời:

Để tăng thêm sức thuyết phục với nhà vua, Nguyễn Trường Tộ đưa ra quan niệm luật của đạo Nho: "Từ tam cương ngũ thường cho đến việc hành chính của sáu bộ đểu đầy đủ". Tác giả phê phán đạo Nho ở tính chất vô tích sự, chỉ nói suông không có tác dụng, "không làm cũng chẳng ai bị phạt, có làm cũng chẳng được ai thưởng". Vì vậy, pháp luật phải gắn liền với thực tiễn hành động của con người. Đó là làm theo pháp luật. Tác giả lấy ngay lời của Khổng Tử: "Ta chưa hề thấy ai nhận được lỗi mình mà biết tự trách phạt", "Chép những lời nói suông chẳng bằng thân hành ra làm việc".

Đây chính là biện pháp lập luận "gậy ông đập lưng ông". Tác giả đưa ra dẫn chứng "Thử xem có những nhà nho suốt đời đọc sách đáng lẽ cử chỉ của họ phải làm khuôn thước cho đời, vậy mà tại sao có nhiều người cuộc đời của họ và ứng xử của họ còn tệ hơn những người quê mùa chất phác.".

Qua đây ông muốn khảng định: Vì sao lại có tình trạng như vậy? Chỉ có thể trả lời là do họ không được học luật. Vì vậy mới cần có luật.

=> Nghệ thuật biện luận: Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng xác thực, lời lẽ mêm dẻo, có sức thuyết phục. Bản điều trần thể hiện tư tưởng cấp tiến của Nguyễn Trường Tộ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 11


Copyright @2024 - Designed by baivan.net