[toc:ul]
I. Nội dung ôn tập
- Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thể kỉ XX với những đặc trưng về hoàn cảnh lịch sử, những thành tựu và hạn chế khó tránh khỏi của văn học thời kì này
- Hai tác giả lớn của nền văn học nước nhà: Hồ Chí Minh và Tố Hữu
- Hồ Chí Minh: biệt tài với những truyện ngắn, kí và văn bản chính luận viết bằng tiếng Pháp từ đầu những năm 20 của thế kỉ XX. Tuyên ngôn độc lập của Người là áng văn mở đường thời kì văn học từ sau Cách mạng tháng Tám. Các sáng tác của Người đa dạng với nhiều thể loại và nhất quán theo một quan điểm sáng tác.
- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng. Ông là nhà thơ trữ tình - chính trị lớn của nền thơ ca hiện đại Việt Nam mà mỗi chặng đường thơ đều gắn bó mật thiết với chặng đường cách mạng.
- Các tác phẩm được học trong chương trình rất đa dạng về thể loại:
- Thơ: Tây Tiến, Việt Bắc, Đất Nước, Sóng,...
- Văn chính luận: Tuyên ngôn độc lập,...
- Hồi kí
- Tùy bút: Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông?,...
- Văn nhật dụng
II. Phương pháp ôn tập
Câu 1: Quá trình phát triển của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến hết thế kỉ XX...
Quá trình phát triển của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến hết thế kỉ XX (những giai đoạn và thành tựu chủ yếu của từng giai đoạn)
Trả lời:
Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 có thể chia làm 3 chặng. Thành tựu chủ yếu của mỗi chặng đường như sau:
a. Văn học từ 1945 – 1954
- Chủ đề: là ca ngợi Tổ Quốc và quần chúng cách mạng, kêu gọi tinh thần đoàn kết, cổ vũ phong trào Nam tiến, biểu dương những tấm gương vì nước quên mình. Từ 1946 trở đi văn học tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp, thẻ hiên tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai tất thắng của cuộc kháng chiến.
- Thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch, lí luận, nghiên cứu và phê bình văn học,... đều đạt được những thành tựu mới. Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu: (Đôi mắt (Nam Cao), Làng (Kim Lân), Vùng mỏ (Vò Huy Tâm), Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), tập truyện Truyện Tây Bắc (Tô Hoài), tập thơ Việt Bắc (Tố Hữu), các bài thơ kháng chiến của Hồ Chí Minh: Cảnh khuya, Nguyên tiêu, Báo tiệp... Tây tiến (Quang Dũng), Đồng chí (Chính Hữu), Lí luận phê bình: chưa phát triển lắm nhưng có một số sự kiện và tác phẩm có ý nghĩa quan trọng, như chủ nghĩa Mác và những vấn đề văn hóa (Trường Chinh).
b. Văn học từ 1955 – 1964
- Chủ đề: Văn học tập trung thể hiện hình ảnh người lao động, ca ngợi công cuộc đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đồng thời thể hiện tình cảm sâu nặng với miền Nam ruột thịt, nói lên nỗi đau chia cắt và thể hiện ý chí thống nhất đất nước.
- Thể loại: Truyện ngắn: mở rộng đề tài, mở rộng phạm vi thâm nhập đến từng ngóc ngách của đời sống xã hội.
- Đề tài kháng chiến chống Pháp: Sống mãi với thủ đô, Cao điểm cuối cùng.
- Đề tài hiện thực cuộc sống: Vợ nhặt, Tranh tối tranh sáng.
- Công cuộc xây dựng CNXH: Người lái đò sông Đà, Mùa lạc, Cái sân gạch.
Thơ: có sự kết hợp giữa yếu tố lãng mạn và yếu tố hiện thực: Gió lộng, Ánh sáng và phù sa, Riêng chung.
Kịch đã có những tác phẩm được dư luận chú ý như: Một đảng viên (Học Phi), Ngọn lửa (Nguyễn Vũ), Quẫn (Lộng Chương), Chị Nhàn và Nổi gió (Đào Hồng Cẩm)...
c. Văn học từ 1965 – 1975
- Chủ đề: Toàn bộ nền văn học của cả hai miền Nam, Bắc tập trung vào cuộc chiến đấu chống Mĩ cứu nước với chủ đề bao trùm là ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
- Ở tiền tuyến lớn miền Nam, những tác phẩm viết trong máu lửa của chiến tranh đã phản ánh nhanh nhạy và kịp thời cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam anh dũng. Tác giả tiêu tiểu: Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Trần Hiếu Minh, Phan Tứ, thơ của Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Giang Nam, Thanh Hải...
- Ở miền Bắc phải kể đến những tác phẩm truyện kí của Nguyễn Tuân, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Nguyên Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Chu Văn... và nhiều tập thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Chính Hữu... Các tác phẩm của các nhà thơ đã phản ánh chân thực, sinh động đời sống chiến trường, sự ác liệt, những hi sinh, tổn thất... trong chiến tranh. Đặc biệt, họ đã dựng nên bức chân dung tinh thần của cả một thế hệ trẻ chống Mĩ. Họ đă đem đến cho nền thơ Việt Nam một tiếng thơ mới mẻ, trẻ trung, sôi nổi.
- Thể loại: Phát triển mạnh mẽ các thể loại truyện kí, thơ, kịch…
=> Xem thêm
Câu 2: Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975?
Trả lời:
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 có 3 đặc điểm
a. Văn học vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó mật thiết với vận mệnh chung của đất nước
- Nền văn học mới được kiến tạo theo mô hình "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận" (Hồ Chí Minh) cùng với kiểu nhà văn mới: nhà văn – chiến sĩ. Nhà văn gắn bó ngòi bút của mình với cuộc chiến đấu, biến ngòi bút thành vũ khí tấn công kẻ thù.
- Văn học tập trung vào hai đề tài lớn là:
- Đề tài Tổ quốc
- Đề tài Chủ nghĩa xã hội
b. Nền văn học hướng về đại chúng
- Nhà văn gắn bó với nhân dân lao động (khác với văn học trước 1945).
- Nhà văn phải có nhận thức, nhãn quan đúng về nhân dân, có tình cảm tốt đẹp với nhân dân, nhận ra công lao to lớn của họ trong lao động sản xuất và sự nghiệp giải phóng dân tộc
- Nền văn học của ta mang tính nhân dân sâu sắc với những biểu hiện:
- Lực lượng sáng tác: bổ sung những cây bút từ trong nhân dân.
- Nội dung sáng tác: phản ánh đời sống nhân dân, tâm tư, khát vọng, nỗi bất hạnh của họ trong xã hội cũ, phát hiện khả năng và phẩm chất của người lao động, tập trung xây dựng hình tượng quần chúng cách mạng.
- Nghệ thuật: giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn, tìm đến những hình thức nghệ thuật quen thuộc với nhân dân, phát huy thể thơ dân tộc.
c. Nền văn học mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn
- Khuynh hướng sử thi: vươn tới những cái lớn lao, phi thường qua những hình ảnh tráng lệ:
- Đề tài: số phận chung của cả cộng đồng, liên quan đến giai cấp, đồng bào, Tổ quốc và thời đại.
- Nhận vật: tiêu biểu cho lí tưởng chung của dân tộc, gắn bó số phận mình với số phận đất nước, kết tinh những phẩm chất cao đẹp của cộng đồng.
- Con người: không phải là con người cá nhân là mà là con người với ý thức công dân, lẽ sống lớn và tình cảm lớn. Nếu nói đến cái riêng thì cũng phải hoà với cái chung
- Lời văn mang giọng điệu ngợi ca, trang trọng và đẹp một cách tráng lệ:
- Khuynh hướng lãng mạn:
- Là khuynh hướng tràn đầy mơ ước, hướng tới tương lai
- Khẳng định lí tưởng của cuộc sống mới, vẻ đẹp của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
=> Xem thêm
Câu 3: Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh?...
Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh? Chứng minh mối quan hệ nhất quán giữa quan điểm sáng tác với sự nghiệp văn học của Người.
Trả lời:
- Quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh
- Coi văn học là vũ khí chiến đấu phục vụ cho sự nghiệp CM. Nhà văn cũng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
- Chú trọng tính chân thật và tính dân tộc trong văn học: nhà văn phải miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn hiện tượng phong phú của đời sống và phải giữ cho tình cảm chân thật; đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ, chú ý phát huy cốt cách dân tộc và có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
- Luôn xác định mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức tác phẩm (viết cho ai? viết làm gì? viết cái gì? viết như thế nào?)
- Quan điểm và sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh có sự nhất quát với nhau
- Các sáng tác của Người dù là thể loại nào cũng rất giàu tính chiến đấu. Từ truyện ngắn, các tác phẩm kí đến văn chính luận và thơ. Chẳng hạn, trong văn bản chính luận Tuyên ngôn độc lập ý chí chiến đấu của người chiến sĩ được thế hiện qua lòng quyết tâm của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù "Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Hoặc trong các tác phẩm thơ, văn học của Người như một thứ vũ khí sắc bén để chống lại cảnh tù đày, sống tự do, phóng khoáng với tâm hồn mình "Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/Muốn lên sự nghiệp lớn/Tinh thần phải càng cao"
- Tính chân thực và tính dân tộc trong các sáng tác của Hồ Chí Minh chính là những sự kiện trong đời sống hiện thực. Vi hành viết về chuyến viếng thăm của vua Khải Định ở Pháp, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến viết khi thực dân Pháp lăm le muốn quay lại cướp nước ta lần nữa, Tức cảnh Pác Bó là khoảng thời gian thiếu thốn, vất vả khi Bác sống và làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Hiện thực được nhắc tới trong sáng tác của Bác không chỉ dừng lại ở việc tái hiện một cách đơn thuần, mà quan trọng là nó hiện lên trong sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ và cái tinh thần cuả một người chiến sĩ trong đó.
- Luôn xuất phát từ mục đích, đối tượng để quyết định đến nội dung và hình thức của tác phẩm chính là yếu tố cuối cùng trong mối quan hệ nhất quán giữa quan điểm và sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh. Với các áng văn chính luận, mục đích của Người là vạch trần tội ác, kêu gọi sức mạnh của tập thể còn đối tượng là nhân dân, kẻ thù và những người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nên Người viết với một lối văn chính luận sắc sảo, chặt chẽ, dẫn chứng xác thực, giọng điệu đanh thép và giàu tính luận chiến (Tuyên ngôn độc lập, Bản án chế độ thực dân Pháp, ...). Với thơ tuyên truyền hướng tới những người dân lao động với mục đích tuyên truyền, khích lệ tinh thần nên Bác viết về những thứ rất đơn giản, bình dị bằng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu (Ca sợi chỉ, ca binh lính,...)
=> Xem thêm
Câu 4: Mục đích và đối tượng của bản Tuyên ngôn độc lập (căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể...
Mục đích và đối tượng của bản Tuyên ngôn độc lập (căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể khi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn)? Phân tích nội dung và hình thức của tác phẩm để làm rõ Tuyên ngôn độc lập vừa là một áng văn chính luận mẫu mực vừa là một áng văn chan chứa những tình cảm lớn.
Trả lời:
- Mục đích và đối tượng của bản Tuyên ngôn độc lập
- Tuyên bố với đồng bào cả nước, với nhân dân thế giới và đặc biệt là bọn đế quốc, thực dân cùng các thế lực thù địch về sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
- Bác bỏ luận điệu xảo trá của kẻ thù khi Pháp theo chân đồng minh Anh quay trở lại nước ta. Đồng thời, tranh luận với những lời lẽ giả dối, sai sự thật về cái gọi là bảo hộ, là khai phá văn minh với Việt Nam mà Pháp đã tuyên bố trước đó.
- Cảnh báo kẻ thù, bọn đế quốc, thực dân và các thế lực thù địch rằng nhân dân Việt Nam sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc mình.
- Kêu gọi và tranh thủ sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ nền độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Cùng với đó là công nhận tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu chống lại đế quốc, thực dân của dân tộc ta
- Tuyên ngôn độc lập vừa là một áng văn chính luận mẫu mực vừa là một áng văn chan chứa những tình cảm lớn
- Là áng văn chính luận mẫu mực: Lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén (từ việc tạo lập hàng rào, cơ sở pháp lí bằng việc trích dẫn 2 bản tuyên ngôn của Pháp và Mĩ đến việc kể tội của Pháp trên đát nước Việt Nam rồi cuối cùng là lời tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới), Dẫn chứng thuyết phục với những chính sách hà khắc mà Pháp thực thi trên mảnh đất này, những mốc thời gian trong lịch sử và những con số rùng rợn; ngôn ngữ không hề cứng nhắc, khô khan mà rất giàu sức gợi hình, gợi cảm
- Là áng văn chan chứa những tình cảm: Giọng điệu biến đổi linh hoạt khi thì đanh thép, cứng rắn (đoạn mở đầu - đoạn kết), lúc lại đau đớn, xót xa, căm phần (phần kể tội), lúc là sự tự hào, kiêu hãnh (quá trình đấu tranh của nhân dân ta)
=> Xem thêm và Tuyên ngôn độc lập
Câu 5: Vì sao nói Tố Hữu là nhà thơ trữ tình - chính trị? Phân tích khuynh hướng...
Vì sao nói Tố Hữu là nhà thơ trữ tình - chính trị? Phân tích khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu.
Trả lời:
- Tố Hữu là nhà thơ trữ tình - chính trị
- Thơ Tố Hữu chủ yếu khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước, từ hoạt động cách mạng và tình cảm chính trị của bản thân tác giả.
- Lí tưởng cách mạng là ngọn nguồn mọi cảm hứng nghệ thuật của Tố Hữu. Lí tưởng thực tiễn cách mạng ở mỗi thời kỳ là đề tài, chủ đề sáng tác của nhà thơ.
- Tố Hữu là nhà thơ cách mạng, nhà thơ của lí tưởng cộng sản. Con đường thơ bắt đầu cùng lúc với sự giác ngộ lí tưởng cộng sản, quá trình sáng tác gắn dưới sự lãnh đạo của Đảng.
=> Xem thêm
- Trong thơ Tố Hữu mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn
- Khuynh hướng sử thi biểu hiện trong sáng tác của Tố Hữu là ông đưa những sự kiện lịch sử trọng đại, có tính quyết định tới vận mệnh của dân tộc, của cộng đồng. Trong Việt Bắc là sự kiện khi hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam vẫn tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, Trung ương chính phủ đã dời cơ quan từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội; còn bài thơ Bác ơi! được viết khi cả nước đang chịu quốc tang của Bác - một sự mất mát quá lớn đối với nhân dân Việt Nam. Con người được nhắc tới trong những sáng tác của Tố Hữu là những con người cá nhân nhưng xuất hiện với tư cách cái ta - tức là con người đại diện cho cả một cộng đồng, một lớp người lên tiếng.
- Còn cảm hứng lãng mạn trong các sáng tác của ông được thể hiện qua cách ông lựa chọn cách thức thể hiện. Tố Hữu sử dụng thể thơ lục bát - thể thơ của dân tộc rất giàu nhạc tinh, nhịp điệu; các vấn đề chính trị được nói bằng cách nói quen thuộc của ca dao với lối xưng hô mình - ta, kết cấu đối đáp (Việt Bắc), cách xưng hô, giọng điệu (Từ ấy, Bác ơi!, Lượm, Khi con tu hú,...)
=> Xem thêm
Câu 6: Phân tích những biểu hiện của tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
Trả lời:
Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu mang đậm tính dân tộc cả trong nội dung và hình thức biểu hiện
- Về nội dung
- Con người: Hiện lên trong tác phẩm Việt Bắc là hình ảnh của nhân dân ở chiến khu Việt Bắc thủy chung, tình nghĩa với 15 năm gắn bó, son sắt với cách mạng. Họ cũng hiện lên là những con người kiên cường, mạnh mẽ, không ngại khó, ngại khổ và cả những đêm hành quân thâu đêm trong khí thế hừng hực quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Hình ảnh nhân dân Việt Bắc trong bài thơ cũng chính là hình ảnh biểu tượng cho những phẩm chất của con người Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp anh hùng.
- Tình cảm được phản ánh trong bài thơ cũng là tình cảm của con người Việt Nam trong thời đại mới, tiếp nối truyền thống tinh thần, tình cảm, đạo lý của dân tộc. Đó là tình cảm quân dân cá nước, sự gắn bó keo sơn giữa người chiến sĩ - cán bộ cách mạng với nhân dân trong cả nước. Bởi thực chất, người ở lại là nhân dân, còn người ra đi chính là những cán bộ kháng chiến.
- Về nghệ thuật
- Tác giả lựa chọn thể thơ lục bát - thể thơ do nhân dân Việt Nam sáng tạo, rất giàu nhạc tính, nhịp điệu mềm mại phù hợp với lối nói tâm tình, thủ thỉ, trải lòng của con người Việt Nam kín đáo.
- Sử dụng lối nói quen thuộc của dân tộc với cặp xưng hô mình - ta và kết cấu đối đáp rất gần với cách nói trong dân gian đã khiến cho bài thơ vốn dĩ nói về một sự kiện chính trị khô khan lại trở nên bình dị, đầy cảm xúc, trở thành chuyện tâm tình giữa mình với ta, giữa người ở lại và người ra đi, giữa hai kẻ đang yêu.
- Ngôn ngữ được sử dụng trong bài thơ rất phong phú, đa dạng, vận dụng sáng tạo các thành ngữ, tục ngữ của văn học dân gian tạo ra nhạc tính và khiến cho bài thơ mang cái hồn của dân tộc.
=> Xem thêm
Câu 7: Vấn đề đặt ra và hệ thống luận điểm, cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng...
Vấn đề đặt ra và hệ thống luận điểm, cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng trong các bài viết Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng), Mấy ý nghĩ về thơ (Nguyễn Đình Thi), Đố-xtôi-ép-xki (X.Xvai-gơ).
Trả lời:
Vấn đề đặt ra và hệ thống luận điểm, cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng trong các bài viết Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng), Mấy ý nghĩ về thơ (Nguyễn Đình Thi), Đố-xtôi-ép-xki (X.Xvai-gơ) là:
Tác phẩm | Vấn đề đặt ra | Hệ thống luận điểm | Cách triển khai |
Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc | Vai trò - vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học nước nhà | - Con người và những biến cố lớn trong cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu - Giá trị trong những sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu | Triển khai theo hướng diễn dịch: Những câu mang chủ đề đặt ở đầu đoạn văn sau đó mới đi phân tích, ấy dẫn chứng để chứng minh nhận định. |
Mấy ý nghĩ về thơ | Thơ chính là phương tiện để thể hiện tâm hồn con người | - Đặc trưng cơ bản nhất của thơ là những biểu hiện tâm hồn con người - Những yếu tố đặc trưng của thơ là hình ảnh, tư tưởng, cảm xúc, cái thực,... - Thơ tự do, thơ không vần - sự vượt thoát khỏi giới hạn của sáng tạo | Sử dụng thao tác lập luận bác bỏ để khẳng định vấn đề đặt ra sau đó đưa lí lẽ, dẫn chứng với những hình ảnh cụ thể đầy thuyết phục |
Đố-xtôi-ép-xki | Cuộc đời và sứ mệnh của Đô-xtôi-ép-xki | - Cuộc đời của Đô-xtôi-ép-xki khi lưu vong ở thế giới xa lạ - Cuộc đời của Đô-xtôi-ép-xki khi trở về Tổ quốc | Đưa ra các yêu tố về thời đại, cuộc đời rồi phân tích ảnh hưởng của nó tới Đô-xtôi-ép-xki |
Câu 8: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến của Quang Dũng...
Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến của Quang Dũng (so sánh với hình tượng người lính trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu)
Trả lời:
1. Hình tượng người lính Tây Tiến là hình tượng xuyên suốt cả tác phẩm. Và cảm xúc bao trùm bài thơ là nỗi nhớ, vì thế nên mọi hình ảnh hiện về đều mang nỗi nhớ da diết về đồng đội, về những năm tháng không thể nào quên của Quang Dũng.
- Thiên nhiên hùng vĩ của Tây Bắc trong những dòng thơ cũng chỉ là phông nền cho người lính xuất hiện với những chặng đường hành quân dài dặc những gian khổ và hi sinh mất mát:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Và
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
=> Phân tích thiên nhiên của Tây Bắc để thấy được cái khấp khểnh, gập ghềnh, những chặng đường vất vả của người lính
- Những kỉ niệm đẹp của tình quân dân và cảnh sông núi miền Tây đầy thơ mộng của Tổ quốc (Đoạn 2)
- Chân dung người lính Tây Tiến (Đoạn 3)
- Vẻ đẹp kiêu hùng của người lính Tây Tiến (2 câu đầu)
- Vẻ đẹp lãng mạn (2 câu tiếp)
- Vẻ đẹp bi tráng (4 câu cuối)
- Lời thề và lời hẹn ước của người lính Tây Tiến (Đoạn cuối)
=> Sự kết hợp giữa ngòi bút hiện thực và bút phá lãng mạn tạo nên hình ảnh của những người lính Tây Tiến vừa gân guốc, oai hùng lại vừa lãng mạn, tài hoa.
2. So sáng với hình tượng người lính trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
Giống nhau:
- Đều là hình tượng của những người lính trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp - thiếu thốn đủ thứ về vật chất, từ quân phục, thuốc thang, trang thiết bị cần thiết...
- Ở họ đều hiện lên vẻ đẹp của những người lính oai hùng, dũng cảm, với tình cảm đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn
- Cả hai bài thơ đều mang chất hiện thực và vẻ đẹp lãng mạn
Khác nhau:
- Đồng chí:
- Những người lính trong bài thơ Đồng chí là những người lính xuất thân từ những người nông dân chân chất, hiền lành, lần đầu tiên cầm súng ra trận. Và đây cũng là trận chiến đấu tiên của họ.
- Người lính trong Đồng chí mới chỉ trải qua những khó khăn, thiếu thốn vật chất, những cơn sốt rét rừng chứ chưa trải qua sự hi sinh, mất mát. Cái chết không được nhắc đến ở đây
- Tây Tiến
- Người lính Tây Tiến xuất thân là những học sinh, sinh viên Hà Nội nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc mà xếp bút nghiên lên đường tranh đấu.
- Người lính Tây Tiến không chỉ phải chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn gian khổ mà còn phải chứng kiến sự hi sinh của đồng đội. Cả bài thơ đã có tới hai lần Quang Dũng nhắc tới cái chết
- Là những con người trẻ tuổi nên những người lính Tây Tiến hiện lên với vẻ trẻ trung, lạc quan, yêu đời của những anh thanh niên 20 tuổi trong cách nhìn ngắm cuộc sống, trong những đêm liên hoan lửa trại, trong cả cách đối mặt với cái chết, sự thiếu thốn, trong cả nỗi nhớ về dáng kiều ở Hà Nội
Câu 9: Những khám phá riêng của mỗi nhà thơ về đất nước quê hương...
Những khám phá riêng của mỗi nhà thơ về đất nước quê hương qua bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi) và đoạn trích Đất Nước trong Trường ca mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm)
Trả lời:
Tiêu chí | Đất nước (Nguyễn Đình Thi) | Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) |
Giống nhau | - Đất nước là của nhân dân, của những con người lam lũ, đời thường - Nhân dân ta là những người anh hùng và tình nghĩa |
Khác nhau | - Mang màu sắc hiện đại | - Mang màu sắc dân gian đậm đà |
- Cảm nhận về đất nước hiện lên qua những hình ảnh mang tính khái quát, tổng hợp với chất sử thi và giọng điệu trầm hùng, thiết tha | - Cảm nhận về đất nước trên nhiều bình diện từ địa lí, lịch sử đến văn hóa; giọng điệu thủ thỉ tâm tình giữa anh với em - hai người trẻ tuổi đang yêu. |
- Tái hiện hình ảnh của một đất nước oai hùng từ trong đau thương vùng lên chiến đấu để bảo vệ đất nước | - Thức tỉnh thế hệ trẻ ở các vùng tạm chiếm xuống đường tranh đấu để giành lại độc lập dân tộc |
- Hình ảnh hàm súc, ngôn ngữ kết tinh | - Hình ảnh quen thuộc, gần gũi; ngôn ngữ bình dị, gắn với văn hoa dân gian |
Câu 10: Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh...
Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh. Anh (chị) cảm nhận được gì về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ này?
Trả lời:
=> Một tâm hồn vừa truyền thống vừa hiện đại của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh
Câu 11: Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật của các bài thơ...
Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật của các bài thơ Dọn về làng (Nông Quốc Chấn), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên), Đò Lèn (Nguyễn Duy), Bác ơi! (Tố Hữu)
Trả lời:
Tác phẩm | Nội dung | Nghệ thuật |
Dọn về làng | - Bức tranh hiện thực sinh động của nhân dân Cao – Bắc – Lạng trong những năm kháng chiến chống Pháp. - Bức tranh có hai mảng tối và sáng: tối là cuộc sống cơ cực và bị giặc đàn áp của người dân; sáng là cuộc sống hồi sinh, vui tươi sau ngày hoàn toàn giải phóng. | - Tứ thơ được khơi nguồn từ cảm hứng hồi sinh của dân tộc sau cuộc chiến đấu với kẻ thù - Ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên và giàu hình ảnh |
Tiếng hát con tàu | - Là sự trăn trở, giục giã lên đường - Kỉ niệm về Tây Bắc trong những ngày kháng chiến gian khổ . Khát vọng về với nhân dân, nơi khắc ghi nhiều kỉ niệm nghĩa tình trong kháng chiến. - Khúc hát lên đường say mê, tin tưởng. Hướng về Tây Bắc trong công cuộc xây dựng đất nước | - Hình ảnh thơ mới lạ, phong phú, có giá trị thẩm mĩ cao, tạo nên những liên tưởng so sánh bất ngờ. - Sử dụng đa dạng các phương thức sáng tạo hình ảnh: tả thực, so sánh và ẩn dụ - Sử dụng nhiều thủ phá nghệ thuật với giọng điệu tha thiết, chân thành - Lời thơ nhiều tầng ý nghĩa, giàu chất trí tuệ |
Đò Lèn | - Người cháu nhớ lại hình ảnh lam lũ, tần tảo giữa cuộc sống thường nhật của người bà bên cạnh sự vô tư đến mức vô tâm của người cháu. - Khổ cuối: Sự thức tỉnh của người cháu trước quy luật đơn giản mà nghiệt ngã của cõi đời để càng đau đớn tiếc xót vì thương bà. | - Sử dụng thành những những thử pháp nghệ thuật như phép đối và phép so sánh đối chiếu đã tạo nên thành công to lớn trong những vần thơ của ông. - Ngôn ngữ bình dị, gần gũi nhưng giàu triết lí |
Câu 12: So sánh Chữ người tử tù (Ngữ văn 11, tập một) với Người lái đò sông Đà,...
So sánh Chữ người tử tù (Ngữ văn 11, tập một) với Người lái đò sông Đà, nhận xét những điểm thống nhất và khác biệt của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945
Trả lời:
Tiêu chí | Chữ người tử tù | Người lái đò sông Đà |
Thống nhất | - Văn phong tài hoa, uyên bác được tổng bằng vốn kiến thức phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực - Nhân vật trong sáng tác được quan sát và tái hiện từ phương diện thẩm mĩ, văn hóa, đều là người nghệ sĩ tài hoa, điêu luyện trong nghề nghiệp của mình - Những cảm xúc mãnh liệt có tác động mạnh mẽ tới suy nghĩ, giác quan của người nghệ sĩ - Ngôn ngữ được sử dụng được chọn lựa kĩ lưỡng, chau chuốt, những từ ngữ chỉ mức độ được đẩy lên đến đỉnh cao |
Khác biệt | - Nhân vật là người trí thức đương thời với khí phách hiên ngang, oai phong - hình ảnh biểu trưng của lớp nhà nho cuối mùa “bất đắc chí” - Vẻ đẹp được khắc họa là vẻ đẹp chỉ còn là vang bóng trong quá khứ: thú chơi chữ thanh cao, tao nhã của người xưa | - Khung cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc với con sông Đà vừa hung bạo, dữ dội lại vừa đằm thắm, trữ tình. - Nhân vật là người lao động đời thường vô danh - hình ảnh biểu trưng của con người hiện đại trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước chế độ mới. - Vẻ đẹp được khắc họa là vẻ đẹp của chính những con người bình dị, gắn với cuộc sống lao động: con người dày dạn trên sông nước với tay lái ra hoa |
Câu 13: Cảm hứng thẩm mĩ và văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường...
Cảm hứng thẩm mĩ và văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đoạn trích bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Trả lời:
- Cảm hứng thẩm mĩ trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường
- Cảm hứng thẩm mĩ là khả năng rung cảm của con người trước những ấn tượng thẩm mĩ được nhận thức, là sự rung động của tâm hồn con người trải qua qúa trình thụ cảm cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài, trong cuộc sống.
- Cảm hứng thẩm mĩ của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? là sự ngợi ca vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của con sông Hương từ khi ở thượng nguồn đến khi về với thành phố Huế - con sông của lịch sử, văn hóa, thi ca của mảnh đất cố đô
- Văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường
- Sự kết hợp hài hòa giữa tình yêu quê hương đất nước và tâm hồn phóng khoáng, tài hoa của người nghệ sĩ khiến con sông Hương hiện lên qua giọng điệu mềm mại, ngọt ngào, đậm chất Huế.
- Sự liên tưởng đa dạng, phong phú với vốn kiến thức được tổng hợp trên nhiều lĩnh vực khiến sông Hương như một sinh thể trữ tình với tâm hồn nhạy cảm, với hành trình từ thượng nguồn trở về với Huế mà mỗi bước đi là một bước trưởng thành để từ một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại đã trở thành một người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.
- Ngôn ngữ rất tinh tế, tài hoa với những hình ảnh được chọn lọc, giàu sức gợi hình, gợi cảm, giàu sức liên tưởng