Rõ nét về file powerpoint trình chiếu. => Xem thêm
Tác giả:
PHẦN MỘT: GIÁO DỤC KINH TẾ
CHỦ ĐỀ 1: CẠNH TRANH, CUNG – CẦU TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
CHỦ ĐỀ 2: LẠM PHÁT, THẤT NGHIỆP
CHỦ ĐỀ 3: THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM
CHỦ ĐỀ 4: Ý TƯỞNG, CƠ HỘI KINH DOANH VÀ CÁC NĂNG LỰC CẦN THIẾT CỦA NGƯỜI KINH DOANH
CHỦ ĐỀ 6: VĂN HOÁ TIÊU DÙNG
CHỦ ĐỀ 7: QUYỀN BÌNH ĐẲNG CỦA CÔNG DÂN TRƯỚC PHÁP LUẬT
CHỦ ĐỀ 8: MỘT SỐ QUYỀN DÂN CHỦ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
CHỦ ĐỀ 9: MỘT SỐ QUYỀN TỰ DO CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
Một số thuật ngữ dùng trong sách
Danh sách tranh ảnh sử dụng
Ngày soạn:…/…/…
Ngày dạy:…/…/…
I. MỤC TIÊU
1. Về kiến thức
Sau bài học này, HS sẽ:
- Nêu được khái niệm cạnh tranh.
- Giải thích được nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh.
- Phân tích được vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế.
2. Năng lực
Năng lực chung:
- Năng lực giao tiếp và hợp tác: Biết tham gia các hình thức làm việc nhóm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ để làm rõ nguyên nhân, vai trò của cạnh tranh. Đồng thời biết sử dụng ngôn ngữ để trình bày các thông tin, ý tưởng trong thảo luận, đánh giá vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Phân tích được các thông tin, câu chuyệ, tình huống và trường hợp trong bài học và thực tiễn cuộc sống liên quan đến vấn đề cạnh tranh trong kinh tế.
Năng lực đặc thù:
- Năng lực điều chỉnh hành vi: Hiểu được trách nhiệm của công dân trong thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về cạnh tranh; phân tích, đánh giá được hành vi, việc làm của bản thân và người khác trong thực hiện cạnh tranh; đồng tình, ủng hộ những hành vi cạnh tranh lành mạnh; phê phán, đấu tranh với những thái độ, hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
- Năng lực phát triển bản thân: Tự đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu, khả năng, điều kiện của bản thân trong quan hệ cạnh tranh.
- Năng lực tìm hiểu và tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội: Hiểu được kiến thức về cạnh tranh, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cạnh tranh; giải thích được một cách đơn giản một số hiện tượng kinh tế về cạnh tranh; vận dụng được kiến thức đã học để phân tích, đánh giá, xử lí các hiện tượng trong đời sống xã hội liên quan đến cạnh tranh.
3. Phẩm chất:
- Trung thực và có trách nhiệm trong các mối quan hệ cạnh tranh.
- Có ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học ở nhà trường vào thực tiễn.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
1. Đối với giáo viên
- SGK, SGV, SBT môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11, Giáo án;
- Tranh/ ảnh, clip, câu chuyện, ví dụ thực tế,... về cạnh tranh;
- Đồ dùng đơn giản để sắm vai;
- Máy tính, máy chiếu, bài giảng Powerpoint,...(nếu có)
2. Đối với học sinh
- SGK, SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11.
- Vở ghi, bút.
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
A. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG
a. Mục tiêu: Giới thiệu ý nghĩa bài học, khai thác trải nghiệm của HS về vấn đề liên quan đến nội dung bài học mới, tạo hứng thú cho HS.
b. Nội dung: GV yêu cầu HS nghiên cứu trường hợp trong SGK và trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: HS dựa vào kiến thức và hiểu biết cá nhân để đưa ra câu trả lời.
d. Tổ chức thực hiện:
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập
- GV mời 1 HS đọc to trường hợp phần Mở đầu trong SGK trang 6: Chị A mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa ở phố H được ba năm. Mới đây, trên phố xuất hiện thêm một siêu thị và hai cửa hàng tạp hóa khác.
- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: Theo em, chị A và các chủ cửa hàng tạp hóa khác phải làm thế nào để thu hút khách hàng, đảm bảo việc kinh doanh?
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
- HS lắng nghe, suy nghĩ câu trả lời.
Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận
- GV mời 1 - 2 HS trả lời câu hỏi: Các chủ cửa hàng tạp hóa phải cạnh tranh với nhau, tìm cách tạo ra điểm hấp dẫn so với các cửa hàng khác như:
+ Đa dạng hàng hóa, giá cả phù hợp, đảm bảo chất lượng hàng hóa ...
+ Kèm theo nhiều tiện ích khác như: chỗ đỗ xe thuận tiện, thanh toán bằng tiền mặt hoặc qua thẻ, tích điểm để có cơ hội nhận quà.
- Các HS khác nhận xét, bổ sung (nếu có).
Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập
- GV nhận xét, đánh giá, tuyên dương câu trả lời của HS.
- GV dẫn dắt vào nội dung bài mới: Trong nền kinh tế thị trường, các chủ thể kinh tế được tự do sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng hóa trên thị trường nên phải cạnh tranh với nhau để tồn tại và phát triển. Hiểu rõ về cạnh tranh giúp chúng ta tham gia các hoạt động kinh tế tích cực, lành mạnh, góp phần xây dựng kinh tế xã hội văn minh, giàu đẹp. Để hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài học hôm nay - Bài 1. Cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
B. HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ
Hoạt động 1: Tìm hiểu khái niệm cạnh tranh
a. Mục tiêu: HS nêu được khái niệm cạnh tranh.
b. Nội dung: Đọc thông tin mục 1 - SGK tr.6 - 7, thảo luận nhóm đôi và tìm hiểu khái niệm cạnh tranh.
c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS về khái niệm cạnh tranh.
d. Tổ chức hoạt động:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập - GV yêu cầu HS làm việc nhóm đôi, đọc trường hợp trong SGK và trả lời câu hỏi: + Câu 1: Theo em, các nhà kinh doanh ẩm thực trên phố B đã sử dụng những cách thức gì để tranh đua thu hút khách hàng? Điều đó mang lại lợi ích gì cho các nhà hàng? + Câu 2: Em hãy nêu ví dụ về sự tranh đua giữa các chủ thể cùng kinh doanh mặt hàng khác trên thị trường. - Từ đó, GV yêu cầu HS: Hãy nêu khái niệm về cạnh tranh. - GV có thể cho HS xem thêm clip về cuộc chiến giữa hai đối thủ hàng đầu trong ngành công nghiệp nước giải khát là CocaCola và Pepsi: https://youtu.be/Del3_UGkBz8 (0:05 - 2:24) Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập - HS làm việc nhóm đôi, đọc thông tin SGK tr.6 - 7 và trả lời câu hỏi. - HS theo dõi video. - GV hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ HS khi cần. Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận - GV mời đại diện 1 - 2 nhóm trả lời câu hỏi. - Các nhóm HS nhận xét và bổ sung ý kiến cho nhau (nếu có). - HS đưa ra khái niệm về cạnh tranh. Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập - GV nhận xét, tổng kết, chuyển sang nội dung tiếp theo. | 1. Khái niệm cạnh tranh - Câu 1: + Các nhà kinh doanh ẩm thực trên phố B tìm cách tạo ra những món ăn ngon, có hương vị đặc biệt, hấp dẫn, giá cả hợp lí... + Để làm được điều đó, học phải giành giật những điều kiện thuận lợi như: thuê được đầu bếp giỏi, có nguồn cung cấp nguyên liệu tươi ngon, tìm được gia vị độc đáo... + Điều đó dẫn đến kết quả: Cửa hàng nào làm tốt sẽ thu hút được nhiều thực khách, có nhiều lợi nhuận hơn, kinh doanh ổn định và phát triển. - Câu 2: Một số ví dụ: + Cuộc cạnh tranh kéo dài hàng thế kỉ giữa hai gã khổng lồ đồ uống không cồn là CocaCola và PepsiCo. + Cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu thức ăn nhanh: KFC, Lotteria, MC Donald's,... + Ganh đua giữa Apple và Samsung... - Khái niệm cạnh tranh: Cạnh tranh kinh tế là sự tranh đua giữa các chủ thể kinh tế nhằm có được những ưu thế trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, qua đó thu được lợi ích tối đa. |
Hoạt động 2: Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh
a. Mục tiêu: HS biết được nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh.
b. Nội dung: GV yêu cầu HS nghiên cứu trường hợp trong SGK để trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS về nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh.
d. Tổ chức hoạt động:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập - GV yêu cầu HS thảo luận nhóm đôi, nghiên cứu trường hợp trong SGK trang 7 và trả lời câu hỏi: + Câu 1: Em có nhận gì về quyền kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp may mặc trong trường hợp trên? + Câu 2: Em hãy nêu những lí do cạnh tranh trong kinh tế. Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập - HS đọc trường hợp trong mục 2 SGK. - Các nhóm thảo luận, tìm câu trả lời. - GV theo dõi, hỗ trợ HS trong quá trình học tập. Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận - GV mời 1 - 2 nhóm trả lời câu hỏi số 1, các nhóm khác nhận xét, bổ sung. - GV tiếp tục mời đại diện 1 - 2 nhóm trả lời câu hỏi số 2. Các nhóm khác nhận xét và bổ sung ý kiến. Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập - GV nhận xét và kết luận. - GV chuyển sang nội dung tiếp theo. | 2. Nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh - Câu 1: Các doanh nghiệp dệt may độc lập với nhau, được tự do kinh doanh, tự ra quyết định sản xuất kinh doanh. Khả năng cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp là khác nhau vì họ khác nhau về nguồn lực (vốn, công nghệ, trình độ quản lí và tay nghề người lao động,...) nên sẽ tạo ra sản phẩm có chi phí, chất lượng khác nhau. - Câu 2: Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh thường xuyên diễn ra do: + Nền kinh tế tồn tại nhiều chủ sở hữu, là những đơn vị kinh tế độc lập, tự do sản xuất, kinh doanh khiến nguồn cung trên thị trường tăng lên làm cho các chủ thể kinh doanh phải cạnh tranh, tìm cho mình những lợi thế để có chỗ đứng trên thị trường. + Trong cạnh tranh, các chủ thể kinh doanh buộc phải sử dụng các nguồn lực của mình một cách hiệu quả nhất. Mỗi chủ thể có điều kiện sản xuất khác nhau, tạo ra năng suất và chất lượng sản phẩm khác nhau, dẫn đến cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm. → Để giành lấy các điều kiện thuận lợi, tránh rủi ro, bất lợi trong sản xuất, trao đổi hàng hóa thì cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế là điều tất yếu. |
Hoạt động 3: Tìm hiểu vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế
a. Mục tiêu: HS phân tích được vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế.
b. Nội dung: GV yêu cầu HS đọc trường hợp mục 2, nghiên cứu thông tin trong SGK trang 8 để trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS về vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế.
d. Tổ chức hoạt động:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập - GV đặt vấn đề: Khi thực hiện cạnh tranh, các chủ thể có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Với những biện pháp cạnh tranh lành mạnh, đúng với quy định của pháp luật và chuẩn mực đạo đức,... cạnh tranh có vai trò động lực, thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển. Chúng ta cùng tìm hiểu cạnh tranh lành mạnh có vai trò tạo động lực phát triển như thế nào. - GV yêu cầu HS thảo luận nhóm 3 - 4 HS, đọc lại trường hợp trong mục 2 và thông tin ở mục 3 SGK trang 8 để trả lời câu hỏi: + Câu 1: Cạnh tranh thúc đẩy công ty H phải làm gì để tồn tại và phát triển? + Câu 2: Để cạnh tranh thành công, các nguồn lực của nền kinh tế và doanh nghiệp H được phân bổ như thế nào? + Câu 3: Cạnh tranh đã giúp cho nhu cầu của khách hàng được thỏa mãn như thế nào? - GV tiếp tục yêu cầu HS: Qua việc trả lời các câu hỏi trên, em hãy cho biết vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế. Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập - HS đọc lại trường hợp trong mục 2 SGK, nghiên cứu thông tin mục 3 SGK trang 8. - Các nhóm thảo luận, tìm câu trả lời. - GV theo dõi, hỗ trợ HS trong quá trình học tập. Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận - GV mời đại diện 1 - 2 nhóm trả lời từng câu hỏi. - Các nhóm khác nhận xét, bổ sung. Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập - GV nhận xét và kết luận. - GV chuyển sang nội dung tiếp theo. | 3. Vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế - Câu 1: Cạnh tranh thúc đẩy công ty H phải tìm cách tạo ra ưu thế so với đối thủ: tạo ra hàng hóa có chất lượng tốt hơn, hấp dẫn khách hàng hơn,... - Câu 2: Để cạnh tranh thành công, các nguồn lực của nền kinh tế được phân bổ theo thứ tự ưu tiên: + Giai đoạn đầu tập trung vào các ngành có lợi thế sẵn về tài nguyên, chi phí lao động rẻ, sử dụng nhiều lao động như: nông sản, khoáng sản, dệt may, giày dép... + Sau đó, chuyển dần sang gành công nghiệp chế biến, trình độ công nghệ cao hơn, vẫn sử dụng nhiều lao động...; từng bước chuyển sang ngành sử dụng lao động trình độ cao và công nghệ tiên tiến. + Công ty H cũng phải tìm kiếm nguồn vải có họa tiết, chất liệu đặc biệt hơn; đầu tư công nghệ mới trong hoàn thiện sản phẩm; chi mức lương hấp dẫn để tuyển dụng được nhà thiết kế có tay nghề cao;... - Câu 3: Mọi hoạt động cạnh tranh suy cho cùng là để bán được nhiều sản phẩm, nghĩa là được khách hàng quan tâm, ưa thích sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp → Cạnh tranh giúp cho nhu cầu của khách hàng được thỏa mãn. - Vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế: Tạo động lực cho sự phát triển: tạo môi trường để các chủ thể kinh tế luôn cạnh tranh với nhau, không ngừng ứng dụng kĩ thuật công nghệ, nâng cao trình độ lao động, phân bổ linh hoạt các nguồn lực hướng tới những điều kiện sản xuất tốt nhất nhằm thu được lợi nhuận cao nhất, nhờ đó thức đẩy lực lượng sản xuất phát triển, không ngừng hoàn thiện nền kinh tế, thúc đẩy năng lực thỏa mãn nhu cầu xã hội. |
Hoạt động 4: Tìm hiểu cạnh tranh không lành mạnh
a. Mục tiêu: HS phê phán các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh.
b. Nội dung: GV yêu cầu HS nghiên cứu trường hợp và hộp thông tin trong SGK trang 9 để trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: HS nêu được biểu hiện và tác hại của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
d. Tổ chức hoạt động:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS | DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập - GV tổ chức cho HS làm việc cá nhân, nghiên cứu trường hợp và hộp thông tin Em có biết trong SGK để trả lời câu hỏi: Em hãy nhận xét hành vi cạnh tranh của Công ty X và cho biết hành vi đó có ảnh hưởng gì đến các doanh nghiệp sản xuất đệm lò xo, đệm nút, người tiêu dùng và xã hội? - GV có thể tiếp tục mời 1 - 2 HS nêu ví dụ biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, tác hại của hành vi này trong đời sống xã hội và những biện pháp để hạn chế, ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. - GV cho cả lớp theo dõi video về một số dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh phổ biến và cách xử lí khi xảy ra các trường hợp này: - Từ đó, GV đi đến kết luận như nội dung trong hộp ghi nhớ SGK trang 9. Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập - HS nghiên cứu trường hợp và hộp thông tin trong SGK trang 9. - HS làm việc cá nhân, suy nghĩ câu trả lời. - GV theo dõi, hỗ trợ HS. Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận - GV mời 1 - 2 HS trả lời câu hỏi. - Các HS khác nhận xét, bổ sung. Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập - GV nhận xét và kết luận. - GV chuyển sang nội dung luyện tập. | 4. Cạnh tranh không lành mạnh - Hành vi của công ty X là không lành mạnh, vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh: đưa ra những thông tin không chính xác về chất lượng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh → gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, thiệt hại cho các công ty sản xuất đệm lò xo và đệm mút, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh trong xã hội. - Kết luận: + Cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi trái với các quy định của pháp luật, các nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại, các chuẩn mực khác trong kinh doanh như: chỉ dẫn nhầm lẫn, gièm pha, gây rối loạn doanh nghiệp khác, xâm phạm bí mật kinh doanh,... có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng, tổn hại đến môi trường kinh doanh, có tác động xấu đến đời sống xã hội. + Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh cần bị phê phán, lên án và ngăn chặn.
|
C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
a. Mục tiêu: Củng cố tri thức vừa khám phá; rèn luyện kĩ năng xử lí tình huống, liên hệ thực tế nhằm điều chỉnh ý thức, hành vi của bản thân với những vấn đề liên quan đến cạnh tranh.
b. Nội dung: GV giao nhiệm vụ, HS thảo luận, thực hiện yêu cầu.
c. Sản phẩm học tập: HS trả lời câu hỏi trắc nghiệm và làm các bài tập phần Luyện tập SGK trang 9, 10.
d. Tổ chức thực hiện:
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập
Nhiệm vụ 1: Khoanh tròn vào đáp án đặt trước câu trả lời đúng
- GV tổ chức cho HS chơi trò chơi trắc nghiệm:
Câu 1. Câu tục ngữ “Thương trường như chiến trường” phản ánh quy luật kinh tế nào dưới đây?
A. Quy luật cung cầu B. Quy luật cạnh tranh
C. Quy luật lưu thông tiền tệ D. Quy luật giá trị
Câu 2. Sự cạnh tranh vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức là cạnh tranh
A. không lành mạnh. B. không bình đẳng.
C. tự do. D. không đẹp.
Câu 3. Người sản xuất kinh doanh cải tiến máy móc hiện đại và nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động là thể hiện mặt tích cực nào dưới đây của cạnh tranh?
A. Kích thích lực lượng sản xuất phát triển, năng suất lao động tăng lên.
B. Khai thác tối đa mọi nguồn lực của đất nước.
C. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế.
D. Góp phần ồn định thị trường hàng hóa.
Câu 4. Thấy quán ăn của mình không đông khách bằng các quán ăn khác trong cùng khu phố, A có ý định bán thêm một vài món mới, đổi mới phong cách, cải thiện thái độ phục vụ khách hàng, đầu tư nơi để xe... Nếu là bạn của A, em sẽ:
A. khuyên A cứ giữ y như cũ. B. không thèm quan tâm.
C. ủng hộ với cách làm A. D. khuyên A dùng mánh khóe để buôn bán.
Câu 5. Vì quán cà phê của mình vắng khách trong khi quán đối diện của nhà anh H khách lại rất đông nên anh K đã thuê kẻ xấu ngày nào cũng quậy phá quán của anh H. Vậy, gia đình G đã:
A. cạnh tranh tiêu cực.
B. cạnh tranh lành mạnh.
C. chiêu thức trong kinh doanh.
D. cạnh tranh không lành mạnh.
Nhiệm vụ 2: Làm bài tập phần Luyện tập SGK trang 9, 10
- GV yêu cầu HS hoàn thành các bài tập theo hướng dẫn:
Bài 1. Em đồng tình hay không đồng tình với những ý kiến sau đây? Vì sao?
- GV có thể tổ chức cho HS thảo luận theo nhóm đôi lần lượt từng quan điểm hoặc có thể chia lớp thành các nhóm, mỗi nhóm một quan điểm.
Bài 2. Em hãy nhận xét hành vi cạnh tranh của các doanh nghiệp trong những trường hợp sau.
- GV chia lớp học thành 8 nhóm để hai nhóm thảo luận một trường hợp. Sau khi một trong hai nhóm trình bày ý kiến của mình, GV mời nhóm còn lại bổ sung, các nhóm khác nêu thêm ý kiến.
Bài 3. Em hãy cho biết cạnh tranh có vai trò như thế nào trong các trường hợp sau đây.
Bài 4. Giải đáp thắc mắc
- Với 2 bài tập này, GV cho HS thảo luận nhóm đôi các trường hợp trong SGK, sau đó mời 1 - 2 HS lên trả lời cho từng trường hợp.
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
- HS vận dụng kiến thức đã học và trả lời câu hỏi trắc nghiệm, làm bài tập phần Luyện tập SGK trang 9, 10.
- GV hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết.
Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận
- HS trả lời câu hỏi trắc nghiệm:
Câu 1 | Câu 2 | Câu 3 | Câu 4 | Câu 5 |
B | A | A | C | D |
- HS hoàn thành các bài tập:
Bài 1:
a. Không đồng tình, vì cạnh tranh không chỉ diễn ra với các chủ thể cùng kinh doanh một mặt hàng mà còn giữa các chủ thể kinh doanh các mặt hàng khác nhau vì các nhà đầu tư sẽ lựa chọn đầu tư vào ngành hàng mang lại lợi nhuận cao nhất.
b. Không đồng tình, vì cạnh tranh lành mạnh là phải tôn trọng đối thủ, tìm cách cải thiện mình để vượt lên đối thủ chứ không phải tìm cách để cho đối thủ suy yếu.
c. Không đồng tình, vì cạnh tranh là tất yếu trong cơ chế thị trường, ở đâu có sản xuất, trao đổi hàng hóa thì ở đó có cạnh tranh. Do vậy, không phải chỉ khi kinh tế thị trường phát triển mới có cạnh tranh.
d. Đồng tình, vì cạnh tranh lành mạnh là biết chấp nhận cạnh tranh, cùng hợp tác và cạnh tranh với đối thủ, tôn trọng đối thủ, tìm cách tạo ra ưu thế vượt trội so với đối thủ để tồn tại và phát triển.
Bài 2: Nhận xét hành vi
a. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đưa ra thông tin không đúng với chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, tạo sự hiểu lầm với khách hàng.
b. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán phá thị trường để hạ gục đối thủ là các doanh nghiệp nhỏ.
c. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Muốn khách hàng tin tưởng, chọn mua sản phẩm của mình, cách tốt nhất là tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt.
Bài 3:
a. Việc Tổng công tu May G đầu tư mua sắm các thiết bị tiên tiến nhất để cạnh tranh với các thương hiệu may nổi tiếng trên thế giới góp phần phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng, hiệu quả sản xuất, hạ giá thành phẩm, từ đó sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn, thu thập cao hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tốt hơn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
b. Tập đoàn X đưa ra thị trường sản phẩm điện thoại có tính năng vượt trội so với các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường, giúp tập đoàn bán được nhiều sản phẩm, doanh thu và lợi nhuận tăng cao, thu nhập của nhân viên được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng của dân chúng được nâng lên, kinh tế-xã hội thêm phát triển...
Bài 4:
a. Việc công ty đưa ra cơ chế khuyến khích cạnh tranh giữa các nhân viên trong công ty là cần thiết vì điều này tạo động lực để mỗi người lao động đều cố gắng để đạt hiệu quả công việc cao nhất. Tuy nhiên, cạnh tranh có tính hai mặt, công ty cần đưa ra những quy định rõ ràng để việc cạnh tranh minh bạch và không ảnh hưởng đến lợi ích chung công ty.
b. Công ty M cần có mức lương, thưởng cao cho các nhân viên có nhiều đóng góp cho công ty vì các nhân viên này là nhân tố quan trọng tạo nên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp so với đối thủ nên cần có chính sách khích lệ, động viên để giữ chân và thúc đẩy nhân viên này cống hiến cho doanh nghiệp.
- GV mời đại diện HS khác nhận xét, bổ sung.
Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập
- GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức.
D. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
a. Mục tiêu: HS tự giác áp dụng những điều đã học vào thực tiễn với không gian mới, tình huống mới nhằm tăng cường ý thức và kĩ năng thường xuyên vận dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết các vấn đề có liên quan đến cạnh tranh.
b. Nội dung: GV tổ chức cho HS thực hiện bài tập phần Vận dụng SGK trang 10.
c. Sản phẩm học tập: Kịch bản và bài học của HS.
d. Tổ chức thực hiện:
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập
- GV nêu yêu cầu: Em hãy viết một kịch bản và cùng các bạn đóng vai phê phán một hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Em rút ra bài học gì từ hành vi này?
- GV hướng dẫn các nhóm HS viết kịch bản, sau đó tổ chức đóng vai thể hiện bản kịch này. Sau tiểu phẩm, GV tổ chức cho HS rút ra bài học.
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
- HS thực hiện nhiệm vụ ở nhà.
- GV hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết.
Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận
- Các nhóm có thể thực hiện diễn kịch ở nhà, ghi hình vở diễn sau đó chuyển đoạn clip cho GV. GV sẽ lựa chọn clip hay nhất để chiếu cho cả lớp xem.
- Các nhóm HS cũng có thể diễn trực tiếp trên lớp.
Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập
- GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức.
E. HƯỚNG DẪN VỀ NHÀ:
- Ôn lại kiến thức đã học.
- Làm bài tập trong SBT.
- Đọc và tìm hiểu trước Bài 2: Cung - cầu trong nền kinh tế thị trường.
Nâng cấp lên tài khoản VIP để tải tài liệu và dùng thêm được nhiều tiện ích khác